Bầu cử Mỹ: Vai trò của Đại Cử Tri Đoàn
Các công dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu vị tổng thống kế tiếp vào ngày 6 tháng 11 sắp tới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống thực sự diễn ra vào ngày 17 tháng 12 và chỉ có 538 người tham gia. Nhóm ít người này được gọi là cử tri đoàn.
Khi Hiến pháp Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1787, chưa có một quốc gia Châu Âu nào cho phép công dân trực tiếp bầu vị nguyên thủ quốc gia. Do đó, các tác giả của bản hiến pháp Mỹ đã thiết kế một cơ chế hai bước, theo đó người dân được đi đầu phiếu nhưng những lá phiếu của họ sẽ được chuyển tới một nhóm nhỏ – được gọi là Đại cử tri đoàn. Nhóm này sẽ hội họp tại từng tiểu bang độ 1 tháng sau cuộc đầu phiếu phổ thông để chọn Tổng thống nước Mỹ.
Giáo sư Curtis Gans thuộc Đại học American giải thích.
"Về mặt số lượng, số phiếu đại cử tri tương đương với con số đại biểu Quốc hội ở mỗi bang, tức là 2 cho Thượng viện, và số dân biểu ở bang đó. Họ được bầu theo nguyên tắc người thắng chiếm tất cả các phiếu đại cử tri đoàn của bang liên hệ."
Trường hợp ngoại lệ là hai bang Nebraska và Maine, vốn chỉ định đại cử tri theo tỷ lệ tương ứng với số phiếu phổ thông tại mỗi đơn vị bầu cử Quốc hội. Ngoài ra còn có thêm ba phiếu đại cử tri đại diện cho các vùng lãnh thổ không được coi là tiểu bang, như khu vực thủ đô nước Mỹ - District of Columbia, nâng tổng số đại cử tri lên tới 538.
Một đa số đơn giản, tức là trên 270 phiếu, sẽ giúp một ứng cử viên chiếm chiếc ghế Tổng thống. Tuy nhiên, nếu không có ứng cử viên tổng thống nào đạt được điều kiện đó, Hiến pháp Hoa Kỳ giao cho Hạ viện trách nhiệm chọn vị tổng thống kế tiếp - mặc dù tình huống này chưa từng xảy ra trong hơn 200 năm qua.
Trong khi trong hầu hết các cuộc bầu cử tổng thống, đều có một ứng cử viên đoạt được cả đa số phiếu phổ thông lẫn phiếu Đại Cử tri đoàn, một ngoại lệ đã xảy ra vào năm 2000.
Ứng cử viên của Đảng Dân chủ Al Gore đã đoạt được đa số phiếu phổ thông hơn nửa triệu phiếu, và rõ ràng nắm chắc 266 phiếu đại cử tri đoàn. Tuy nhiên đối thủ của ông, là ứng cử viên George W. Bush của đảng Cộng hòa đã thách thức kết quả này, vì ông Bush dẫn đầu với một số phiếu ít ỏi tại bang Florida.
Ông Gore phát động một cuộc tái kiểm phiếu tại bang này và bị ông Bush thách thức từng bước tới tận Tòa án Tối cao. Hơn một tháng sau cuộc bầu cử, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đứng về phía ứng cử viên George W. Bush, và về mặt thực tế đã trao cho ông Bush tất cả 25 phiếu đại cử tri của bang Florida, và như thế đưa ông Bush vào Tòa Bạch Ốc.
Cả hai bên đều duy trì lập trường liên quan tới cơ chế bầu cử Đại cử tri đoàn hiện hữu, khiến Giáo sư Dennis Johnson thuộc Đại học George Mason nhận định ông không mong đợi một thay đổi nào. Giáo sư Johnson nói:
"Tất cả các bên đều giám sát chiến lược này, họ theo dõi trên bản đồ và nói rằng" Đối với chúng tôi thì cứ nên giữ nguyên như cũ, thắng thì được tất!. "
Giáo sư Johnson nói việc Đảng Dân chủ ngự trị tại các thành phố trên khắp nước có nghĩa là các thành viên của đảng Cộng hòa – vốn mạnh hơn tại khu vực nông thôn ít dân cư - không muốn hỗ trợ bất cứ thay đổi nào để đổi cơ chế bầu cử sang đầu phiếu trực tiếp.