Việt Nam vừa chính thức truy tố 22 người liên quan tới tổ chức ít được công chúng biết tới là ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ ở tỉnh Phú Yên.
Báo điện tử của tỉnh này mới đưa tin Viện Kiểm sát Nhân dân Phú Yên đã ký cáo trạng truy tố 22 bị can về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79, Bộ Luật hình sự.
Hồi tháng Hai năm nay, những người vừa kể đã bị bắt và bị buộc tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’, nhưng sau đó tội danh này đã được thay đổi.
Tờ báo của tỉnh Phú Yên cũng đã đăng bài viết chỉ trích người được cho là đứng đầu tổ chức là ông Phan Văn Thu.
Báo này đưa tin, ông Thu và các thành viên trong tổ chức ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ đã ‘sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vu khống, nói xấu chế độ’.
Báo chí Việt Nam từng trích lời công an đưa tin ông Thu thành lập ‘Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ năm 1975, và được cho là có hơn 300 thành viên tại khắp các tỉnh thành ở Việt Nam và cả nước ngoài.
Tuy nhiên, không có nhóm bất đồng chính kiến nào ở nước ngoài từng tuyên bố có liên hệ với tổ chức của ông Thu.
Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam, trên lý thuyết, điều 79 về ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’ có mức phạt tối đa là án tử hình.
Các nhóm bảo vệ nhân quyền thường cáo buộc Việt Nam sử dụng điều 79 để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng với nhà nước.
Gần đây, Việt Nam cũng bị các tổ chức nhân quyền quốc tế tố cáo mạnh tay đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Hồi cuối tháng 9, Việt Nam đã tuyên phạt ông Nguyễn Văn Hải (tức blogger Điếu Cày) mức án 12 năm tù giam về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Trong khi đó, bà Tạ Phong Tần bị kết án 10 năm tù giam và ông Phan Thanh Hải bị án 4 năm tù giam. Ba blogger này còn bị quản thúc tại gia từ 3 tới 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Sau đó, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội ‘thả ngay lập tức’ các blogger này.
Nguồn: Phu Yen Online, AFP, Asia One