Page 1 of 1

Mỹ: Các nhà lãnh đạo Hồi giáo lên án biểu tình bạo động ở Li

PostPosted: Thu Sep 13, 2012 10:00 am
by NewsReporter
VOA - Arts and Entertainment


'Innocence of Muslims' – 'Sự Ngây thơ của Người Hồi giáo': Cuốn phim châm ngòi cho các vụ tấn công vào các trụ sở ngoại giao của Hoa Kỳ ở Ai Cập và Libya.

- Các trích đoạn phim được đăng trên YouTube bằng tiếng Anh và tiếng Ả Rập.

- Phim mô tả Tiên tri Mohammed dưới hình thức biếm họa.

- Sản xuất bởi nhà làm phim Sam Bacile, người Do Thái ở California.

- Ông Bacile đã bỏ trốn sau những vụ biểu tình ở Ai Cập và Libya.

- Ông Bacile nói đạo Hồi là một thứ 'ung thư'.

- Phim được tài trợ bởi các thành viên của nhóm thiểu số thành viên của nhóm Thiên Chúa giáo Cổ Ai Cập.

- Ðược quảng bá bởi mục sư Cơ đốc ở Florida, Terry Jones, người đã đốt Kinh Quran tại nhà thờ của ông.


​​Các nhà lãnh đạo Hồi giáo Mỹ đang lên án vụ sát hại nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ ở Libya và vụ tấn công vào đại sứ quán Hoa Kỳ ở Ai Cập cũng như cuốn băng video bài Hồi giáo dường như đã châm ngòi cho các vụ tấn công. Họ nói bạo lực không phải là lời đáp cho những chỉ trích nhắm vào tôn giáo của họ. Từ thủ đô Washington, thông tín viên VOA Jerome Socolovsky ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bạo lực ở Benghazi và Cairo đã làm chấn động người Mỹ, trong đó có những người Mỹ theo Hồi giáo.

Một nhóm các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Hoa Kỳ đã cùng với các giáo sĩ khác đến Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở thủ đô Washington ngày hôm qua để lên án vụ sát hại Ðại sứ Hoa Kỳ Christopher Stevens.

Giáo sĩ Mohamed Majid là Chủ tịch Hội Hồi giáo Bắc Mỹ có trụ sở ở Indiana.

Ông Majid nói: “Chúng tôi thương tiếc một người bảo vệ cho tự do.”

Ông Stevens bị sát hại tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi trong các cuộc biểu tình bùng ra sau khi phổ biến một cuốn phim chế nhạo Tiên tri Muhammad của đạo Hồi.

Ông Majid nói cuốn phim đó đã khiến ông bất bình.

Ông Majid nói tiếp: “Nổi giận là phải, bất bình là phải bởi vì chúng tôi yêu mến Ðấng Tiên tri của chúng tôi. Nhưng cách phản ứng là phải theo như cách của bậc tiên tri này, chứ không phải cái cách cố ý của những người khác là bảo chúng ta rằng chúng tôi sẽ khích động anh có hành vi bạo lực để bóp méo thêm hình ảnh của đấng tiên tri của các anh hơn nữa.”

Cuốn phim cũng gây bất bình cho giáo sĩ David Saperstein, giám đốc Trung tâm Hành động Tôn giáo để Cải cách Do Thái giáo ở Washington.

Ông Saperstein nói: “Cuốn phim được làm để phỉ báng, hạ nhục, bêu riếu, chế nhạo tôn giáo theo một cách mà thông thường ra sẽ được hiểu là có phần chắc sẽ kích động bạo lực, và làm như thế vào một thời điểm, phổ biến nó ngay vào ngày 11 tháng 9, là ngày tròn 11 năm những vụ tấn công khủng bố vào New York và Washington, thực là một hành động ghê tởm bởi những người có tham gia làm cuốn phim.”

Các cuộc biểu tình tương tự đã bùng ra trước đây. Năm 2008, tại Indonesia, bạo động đã bùng nổ để đáp lại một cuốn phim của một chính trị gia hà Lan tấn công kinh Quran của đạo Hồi.

Ông Haris Tarin là Giám đốc tại Washington của Hội đồng Công vụ Hồi giáo, một tổ chức tranh đấu quảng bá việc hào nhập người Hồi giáo vào xã hội Mỹ. Ông nói có một bộ phận nhỏ nhưng rất kiên quyết trong xã hội Mỹ tìm cách phỉ báng đạo Hồi.

Ông Tarin cho biết: “Họ không làm công việc tìm cách quảng bá sự cảm thông, quan hệ tốt đẹp hơn, và dân chủ. Họ làm công việc bêu xấu, khích động sự thù ghét, và tìm cách phân hóa các cộng đồng Hồi giáo Mỹ và khiêu khích quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước có khối dân Hồi giáo chiếm đa số.”

Ông Tarin nói những người biểu tình ở Libya và Ai Cập bị kích động bởi cuốn phim và gây ra bạo loạn, nhưng họ sai nếu nghĩ rằng nước Mỹ bài Hồi giáo.

Ông Tarin nói: “Và thông điệp cuối cùng tôi muốn gửi đến những người anh em trong thế giới Hồi giáo là người Hồi giáo ở Mỹ là một cộng đồng sống động được hưởng tự do tôn giáo đến mức tối đa.”

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo này nói đây không phải là một sự xung đột giữa đạo Hồi và nước Mỹ, mà là giữa các nhóm cực đoan muốn gây khiêu khích.