Thổ Nhĩ Kỳ vận động các bảo tàng khắp thế giới trả lại cổ vậ
Bộ trưởng Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã khánh thành viện bảo tàng khảo cổ mới tại thành phố Izmir ở miền tây. Ông Ertugrul Gunay là kiến trúc sư của cuộc cách mạng xây dựng bảo tàng ở nước này nhằm khai thác di sản phong phú của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều bảo tàng khảo cổ học mới đã được khánh thành trên toàn quốc, và thêm nhiều bảo tàng khác đang được lên kế hoạch, trong khi những bảo tàng đã được thành lập đang được tân trang với ngân quỹ lớn. Nhưng như ông Gunay đã nói rõ trong khi khánh thành bảo tàng mới nhất này, cuộc cách mạng của ông có tác động mang tính quốc tế.
Ông Gunay nói khi bạn ghé thăm các bảo tàng lớn của thế giới tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, bạn thấy rằng hầu hết những cổ vật quý xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Ai Cập và Hy Lạp. Ông nói một số đó đã bị cướp bóc, và ông nói ông đang đấu tranh để đòi lại các cổ vật lịch sử, bị đưa bất hợp pháp tới các bảo tàng lớn trên thế giới từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với việc hành động mạnh mẽ tại tòa án để đòi lại các cổ vật từ các bảo tàng lớn trên thế giới, ông Gunay còn tiến hành một phương pháp tiếp cận mới.
Hồi đầu năm nay, ông đã phủ quyết, phản đối việc cho Bảo tàng Anh mượn cổ vật để trưng bày cho một cuộc triển lãm lớn cho tới khi bảo tàng này trả lại các cổ vật mà Ankara tuyên bố đã được dời đi một cách trái phép. Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng được áp dụng cho các bảo tàng lớn khác.
Nezih Basgelen, biên tập viên của một tạp chí hàng đầu về khảo cổ của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng chính sách này có thể gây ra những hậu quả có tác động lớn cho các bảo tàng trên khắp thế giới.
Ông Basgelen nói: "Chúng tôi có nhiều danh sách yêu cầu đối với Đức, Anh, Hoa Kỳ, Pháp và có lẽ cả Áo. Hơn một ngàn, hàng ngàn hiện vật gốm sứ, và một số là đồng xu. Nhiều đồ vật đá cẩm thạch, rất lớn, như quan tài, và những bức tượng lớn. Nhiều thứ lắm."
Bộ văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tận dụng sự ưa thích mà giới khảo cổ dành cho nước này làm phương tiện gây áp lực. Ankara đe dọa đình chỉ giấy phép của một nhà khảo cổ học người Đức, làm việc tại một công trường khai quật lớn, trừ phi một bảo tàng Đức trả lại Thổ Nhĩ Kỳ một cổ vật tranh chấp. Bảo tàng cuối cùng cũng phải tuân thủ hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, chính sách cứng rắn đã vấp phải chỉ trích rằng Bộ này cần thiết phải xử lý các vấn đề ở trong nước trước khi hướng ra nước ngoài. Ozgen Acar, một nhà bình luận cho tờ Cumhurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ, đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để đòi lại các cổ vật bị đánh cắp từ nước ngoài.
Nhà bình luật Acar cho biết: "Tình trạng cướp bóc bừa bãi ở Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng nghiêm trọng hơn, và cùng lúc, họ lại tìm cách thu hồi các cổ vật từ các bảo tàng khác nhau trên thế giới. Nhưng chính phủ không quan tâm tới tình trạng cướp bóc ở trong nước. Đây là sai lầm lớn."
Nhưng ông bộ trưởng phản bác tố cáo này, tuyên bố rằng nguồn lực dành cho khai quật khảo cổ đã tăng 12 lần trong vòng 12 năm qua.
Ngoài ra, còn có yếu tố kinh tế đằng sau động lực mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đòi lại các cổ vật nổi tiếng.
Di sản khảo cổ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một phần chính trong động lực của chính phủ nhằm thu hút du khách, với các quảng cáo như thế này nhằm quảng bá đất nước mang đến nhiều điều hơn là chỉ nắng vàng và bãi biển.
Một phần của chính sách đó bao gồm việc xây dựng một trong những viện bảo tàng khảo cổ lớn nhất cho thủ đô Ankara.
Ông Basgelen, biên tập viên tạp chí khảo cổ, lo ngại rằng chính sách gấp rút đòi lại các cổ vật rốt cuộc sẽ ảnh hưởng tới các bảo tàng và các dự án khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông gợi ý một sự thỏa hiệp, theo đó các cổ vật có thể được cho các bảo tàng mượn tới 40 năm.
Tuy nhiên, bộ trưởng văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra quyết tâm đòi lại các cổ vật. Ông đã công bố một thỏa thuận với Hy Lạp nhằm cùng nhau tiến hành cuộc tranh đấu, và các cuộc thương lượng đang tiếp diễn với cả Italia và Ai Cập.
Các nhà quan sát cảnh báo những ảnh hưởng của cuộc tranh cãi có thể gây tác động lớn đến các bảo tàng khảo cổ lớn nhất thế giới.