Joe Nguyễn, một quản lý cấp cao của tập đoàn Microsoft, vừa trở thành một “bất ngờ” thú vị đối với cư dân quận hạt 34 của bang Washington, Hoa Kỳ, khi tuyên bố ra tranh cử chức thượng nghị sĩ tiểu bang tại đây.
“Bất chấp sự đa dạng trong quận hạt, từ trước tới nay chưa từng có bất cứ một người da màu nào ra tranh cử cho chức thượng nghị sĩ hay dân biểu”, Joe Nguyễn nói với VOA.
Tôi muốn mọi người biết rằng tôi là một ứng cử viên tốt, bất chấp màu da hay gốc gác của tôi.
Với cái nhìn của một nhà quản lý, Joe Nguyễn cho rằng việc có một người đại diện cộng đồng trong bất cứ ban lãnh đạo của một tổ chức hay cơ chế nào cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Anh phân tích: “Nếu bạn không có một người đại diện cho cộng đồng trong ban lãnh đạo, thì chuyện gì xảy ra? Không phải là người ta không quan tâm đến bạn, mà chỉ là người ta không biết. Không có người đại diện trong ban lãnh đạo, bạn sẽ bị thiệt thòi về ngân sách, thiệt thòi về tiếng nói và lợi ích của cộng đồng ở đó”. Và đó chính là lý do mà Joe Nguyễn quyết định ra tranh cử, nhằm “bảo đảm rằng lãnh đạo ở bang Washington phản ánh đúng giá trị và con người tại đây”.
Xuất thân từ một gia đình “thuyền nhân” người Việt tị nạn, tuổi thơ của Joe Nguyễn đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhất là khi toàn bộ gánh nặng gia đình trút lên vai người mẹ sau một tai nạn xe hơi của cha.
“Rất cực. Chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà do chính phủ trợ cấp, sống nhờ vào phúc lợi và các dịch vụ xã hội. Rồi cha tôi bị tai nạn xe hơi khi tôi còn nhỏ và ông bị liệt hoàn toàn. Thế là chúng tôi phải dành ra thời gian và tiền bạc để chăm sóc cho cha. Trong điều kiện khốn khó đó, chúng tôi may mắn có mẹ là một phụ nữ rất mạnh mẽ và chú trọng chuyện học hành”.
Tôi từng làm 3, 4 công việc. Tôi làm việc 80-90 giờ mỗi tuần bên cạnh việc học. Nhưng tất cả chúng tôi đều làm tốt vì chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác. Chúng tôi không có cả lựa chọn được thất bại.
Để giúp mẹ gánh vác gia đình, cả bốn anh chị em Joe Nguyễn đều phải làm việc cật lực ngay từ nhỏ.
“Tôi từng phải làm 3, 4 công việc. Tôi làm việc 80-90 giờ mỗi tuần bên cạnh việc học. Nhưng tất cả chúng tôi đều làm tốt vì chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác. Chúng tôi không có cả lựa chọn được thất bại”.
Nhưng cũng chính nhờ những “kinh nghiệm sống” này mà cả 4 anh chị em của Joe Nguyễn đều thành công, trở thành các bác sĩ, kỹ sư.
Một mảng tuổi thơ khác mà Joe Nguyễn cho biết là “rất quan trọng” nhưng hiếm khi anh nhắc tới, đó là những ký ức bị kỳ thị. Đây cũng là lý do mà khi mới quyết định ra tranh cử, Joe Nguyễn không hề muốn đề cập đến gốc gác Việt Nam của mình.
“Tôi muốn mọi người biết rằng tôi là một ứng cử viên tốt, bất chấp màu da hay gốc gác của tôi. Tôi rất tự hào là người Việt Nam, nhưng trong quá trình trưởng thành, tôi đã phải đối diện với rất nhiều định kiến và kỳ thị, nên tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi chỉ ra ứng cử cho người Việt Nam, tôi ra ứng cử cho tất cả mọi người trong quận hạt 34 này”.
Một trong những câu chuyện bị kỳ thị mà Joe Nguyễn vẫn còn nhớ như in là vào thời tiểu học, khi Joe Nguyễn là một trong những đứa trẻ người Việt đầu tiên xuất hiện ở trường học trong quận hạt. Vì vậy, cô giáo muốn làm một cử chỉ thân thiện bằng cách mỗi ngày cô gọi cậu bé Joe Nguyễn lên đứng trước lớp và bảo cậu nói bằng tiếng Việt số ngày còn lại của năm học.
“Đó là một ý tưởng tốt. Nhưng đối với những đứa trẻ tiểu học chưa bao giờ tiếp xúc với người Việt, thì đó là cơ hội để các bạn châm chọc tôi. Chúng giả bộ nói tiếng Việt bằng những từ ngữ mà chúng tự nghĩ ra giống như tiếng Việt. Tại thời điểm đó, tôi nhận ra rằng ngay cả khi tôi đã ở trên đất Mỹ, chúng ta cũng sẽ không được đối xử giống hệt như những người khác bởi vì chúng ta khác biệt. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra kỳ thị là có, định kiến là có và tôi là nạn nhân của nó, ngay cả khi tôi mới chỉ học tiểu học”, Joe Nguyễn nhớ lại.
Bất chấp những kỷ niệm buồn ấy, Joe Nguyễn thừa nhận chính những khó nhọc của tuổi thơ và tính cách đặc trưng của người Việt đã góp phần vào thành công của bản thân và gia đình anh.
“Có rất nhiều thứ người Mỹ trắng xem đó như là chuyện đương nhiên, nhưng với người Việt mình thì không. Chẳng hạn như cơ hội. Nếu tôi có cơ hội đến trường, tôi sẽ học thật tốt vì biết không phải ai cũng có cơ hội như vậy. Tôi vẫn còn nhiều người thân ở Việt Nam nên tôi biết họ sống như thế nào và cuộc sống của tôi ở đây như thế nào. Vì vậy khi nhìn thấy cơ hội, là một người Việt Nam, thì tôi sẽ nắm lấy nó vì tôi biết rằng mình rất may mắn được có mặt ở đây”.
Hiện là cha của hai con nhỏ, giáo dục là lĩnh vực mà ứng cử viên gốc Việt của đảng Dân chủ rất quan tâm và muốn thay đổi. Mục tiêu của Joe Nguyễn là xóa bỏ khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các học khu nghèo và học khu giàu trong quận hạt bằng cách phân bổ hợp lý ngân sách của tiểu bang. Ngoài ra, bảo hiểm sức khỏe và cải cách kinh tế cũng là các mục tiêu mà Joe Nguyễn đeo đuổi trong kế hoạch tranh cử của mình.
Với nhiều kinh nghiệm đóng góp “phía sau hậu trường” cho các hoạt động của cộng đồng, Joe Nguyễn tự tin rằng quyết định chính thức bước ra chính trường của mình sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ, nhất là khi cư dân đã quá “chán ngán” với những gì đang diễn ra, và mong muốn nhìn thấy một gương mặt mới của thế hệ trẻ có kinh nghiệm và chiến lược giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu chung.