Một bộ trưởng của Việt Nam nói Mỹ sẽ “thiệt thòi” nếu không đầu tư vào Việt Nam, một nước Đông Nam Á đang nhắm đến nhiều cải cách. Một chuyên gia kinh tế nhận xét rằng chỉ nên coi phát biểu của vị bộ trưởng như một lời nói khích.
Báo chí Việt Nam hôm 15/5 dẫn lại lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng “Nếu Mỹ không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của nhà đầu tư Mỹ”.
Có nhà đầu tư Mỹ nào đấy nếu không đầu tư vào Việt Nam, có lẽ họ không thiếu các cơ hội đầu tư ở các nước khác, thí dụ như ở Đông Nam Á, như ở Trung Đông, thậm chí ở châu Phi.
Cơ sở để ông nhận định như vậy, theo Bộ trưởng Dũng, là vì các nhà đầu tư thuộc nền kinh tế số một thế giới sẽ thua thiệt nếu “không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam”.
Phát biểu của ông Dũng được đưa ra tại một hội thảo ở Hà Nội về triển vọng kinh tế Việt Nam từ 2018-2020, khi ông trả lời một câu hỏi về tác động của việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong gian tới.
Việt Nam và 10 nước khác đã ký CPTPP hồi tháng 3 năm nay, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định ban đầu có tên Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã đàm phán xong, chỉ còn chờ ký kết.
Bộ trưởng Dũng, theo tường thuật của báo chí, cho rằng hiệp định sẽ làm tăng đầu tư từ các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam vì nó xóa bỏ các rào cản về đầu tư, thương mại giữa 11 nước, cũng như tạo áp lực với Việt Nam phải cải cách, dẫn đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Dũng nói thêm rằng với nỗ lực cải cách và hội nhập như hiện nay, kinh tế Việt Nam “đã và đang phát triển tích cực”.
Xét đến các yếu tố đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói: “Tôi cho rằng các nhà đầu tư Mỹ phải xem xét lại việc đầu tư vào Việt Nam, nếu không muốn mất ảnh hưởng trong cuộc chơi quốc tế”.
Chuyên gia kinh tế kỳ cựu Lê Đăng Doanh đưa ra bình luận với VOA:
“Có nhà đầu tư Mỹ nào đấy nếu không đầu tư vào Việt Nam, có lẽ họ không thiếu các cơ hội đầu tư ở các nước khác, thí dụ như ở Đông Nam Á, như ở Trung Đông, thậm chí ở châu Phi. Tôi nghĩ câu nói đó của ông bộ trưởng nên hiểu theo nghĩa như một lời nói khích để các nhà đầu tư Mỹ quan tâm hơn đến đầu tư vào Việt Nam”.
Các con số chính thức của Việt Nam cho hay đến tháng 10/2017, các nhà đầu tư Mỹ đã rót vào Việt Nam khoảng gần 10 tỷ đôla tiền đầu tư trực tiếp, đứng thứ 9 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
... nếu hiệp định TPP có Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 6,5% GDP sau 5 năm và xuất khẩu có thể tăng 12%. Nếu không có Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 3,2% GDP và xuất khẩu có thể tăng 6-7%. Qua đó để thấy thị trường của Mỹ đối với Việt Nam quan trọng như thế nào.
Đến hết năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hàng sang Mỹ đạt gần 42 tỉ đôla, trong khi nhập từ Mỹ hàng hóa giá trị hơn 9 tỉ đôla.
Trong phát biểu của mình được báo chí dẫn lại, Bộ trưởng Dũng xác nhận lại rằng “hiện Mỹ vẫn là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam”. Ông cũng bày tỏ hi vọng “Mỹ có thể sớm quay lại Hiệp định TPP”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích thêm:
“Theo tính toán của nhiều nhà kinh tế, nếu hiệp định TPP có Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 6,5% GDP sau 5 năm và xuất khẩu có thể tăng 12%. Nếu không có Mỹ, kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm 3,2% GDP và xuất khẩu có thể tăng 6-7%. Qua đó để thấy thị trường của Mỹ đối với Việt Nam quan trọng như thế nào. Và có lẽ đấy cũng là một lý do để Việt Nam cũng mong muốn Mỹ quay trở lại với hiệp định này”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút nền kinh tế lớn nhất thế giới ra khỏi TPP ngay khi ông lên nắm quyền hồi đầu năm 2017.
Hồi giữa tháng 4/2018, ông Trump viết trên Twitter rằng ông vẫn “không thích” hiệp định này.
Một đoạn trong ý kiến của ông đăng trên Twitter nói rằng: "Quá nhiều điểm không chắc chắn và không có cách nào để thoát nếu thỏa thuận này không mang kết quả."
Tổng thống Trump cũng nhắc lại quan điểm là các thỏa thuận song phương “hiệu quả hơn, có lợi nhuận và tốt hơn” cho người lao động của Mỹ.