Hàng không mẫu hạm của Mỹ và các chiến hạm hộ tống sáng 5/3 (giờ địa phương) đã tới Đà Nẵng, trong chuyến thăm phía Mỹ nói là mang tính “lịch sử”, giữa bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự hiện diện của USS Carl Vinson ở vùng biển miền Trung đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam kể từ khi kết thúc cuộc chiến giữa hai nước cựu thù.
Thiếu tá Tim Hawkins, quân nhân phụ trách truyền thông trên tàu USS Carl Vinson, nói với VOA Việt Ngữ rằng “đây rõ ràng là một chuyến thăm mang tính lịch sử”.
Việc đến thăm của chúng tôi cũng thể hiện sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và phồn vinh.
Quân nhân này nói thêm: “Nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam và thi hành một thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước. Việc đến thăm của chúng tôi cũng thể hiện sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam độc lập, mạnh mẽ và phồn vinh”.
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm năm ngoái có đoạn: “Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước”.
Tâm sự quân nhân Mỹ gốc Việt trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Thăm Việt Nam, tàu sân bay Mỹ ‘duy trì hòa bình khu vực’
Tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam, báo Trung Quốc lên tiếng
Tin cho hay, trong khi thăm Việt Nam, chỉ huy tàu USS Carl Vinson sẽ tiếp xúc và trao đổi với Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Tôi hy vọng nó sẽ mang lại mối quan hệ chân tình và nồng ấm trong nhiều năm tới.
Trong khi đó, các thủy thủ của tàu sẽ tham gia nhiều hoạt động “giao lưu nhân dân” như biểu diễn tại Cầu Rồng và công viên Biển Đông; giao lưu bóng đá, bóng rổ và thăm các trung tâm nuôi trẻ mồ côi cũng như cơ sở bảo trợ nạn nhân chất da cam.
Trung tá Hiền Trịnh, một quân nhân Mỹ gốc Việt, hiện phục vụ trên tàu USS Carl Vinson cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “thực sự vui mừng khi trở thành một phần của sự kiện lịch sử này”.
“Tôi hy vọng nó sẽ mang lại mối quan hệ chân tình và nồng ấm trong nhiều năm tới”, người rời Việt Nam cùng gia đình lúc hai tuổi nói thêm.
Các nhà phân tích và quan sát cho rằng sự hiện diện của USS Carl Vinson ở vùng biển tại Việt Nam cách không xa quần đảo Hoàng Sa trong vòng tranh chấp với Bắc Kinh là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer nói: “Thông điệp mà USS Carl Vinson phát đi đó là Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông và rằng Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của hải quân Mỹ chừng nào nó đóng góp vào ổn định và hòa bình khu vực”.
Trả lời câu hỏi về việc tờ Hoàn cầu Thời báo gần đây nói rằng “sự hiện diện thường xuyên của các hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và dẫn tới sóng gió trong quan hệ Trung – Mỹ”, thiếu tá Hawkins nói: “Sự hiện diện và cam kết của chúng tôi đối với khu vực không phải là điều mới mẻ”.
Chúng tôi hoạt động trong khu vực để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi, duy trì ổn định khu vực và duy trì sự rộng mở của các tuyến hàng hải quan trọng cho sự thịnh vượng toàn cầu.
“Hải quân Mỹ đã thường xuyên hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương, giúp duy trì hòa bình trong hơn 70 năm qua. Chúng tôi hoạt động trong khu vực để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi, duy trì ổn định khu vực và duy trì sự rộng mở của các tuyến hàng hải quan trọng cho sự thịnh vượng toàn cầu”, ông nói thêm.
Trước khi USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng, thiếu tá hải quân này từng tuyên bố rằng các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào “luật pháp quốc tế cho phép” trên vùng biển chiến lược này.
Báo chí trong nước dẫn lời các quan chức Việt Nam cho biết rằng USS Carl Vinson sẽ ở thăm Việt Nam từ ngày 5 tới 9/3, nhưng Thiếu tá Hawkins chỉ xác nhận với VOA tiếng Việt ngày đến, còn ngày dời đi, ông không trả lời vì “các lý do an ninh”.