Kích thích dây thần kinh

PostSun Sep 17, 2017 11:13 am

VOA - Arts and Entertainment


Thính giả Liêm Văn Hồ hỏi về máy kích thích dây thần kinh.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:



Kích thích dây thần kinh và não bộ trong công cuộc phục hồi chức năng vận động


Câu hỏi của vị thính giả không rõ lắm nên tôi sẽ cố gắng trả lời trên nhiều lãnh vực khác nhau.


I) Trước hết là một phương pháp không mới, được dùng từ 20 năm nay, dùng điện kích thích trực tiếp các thần kinh điều khiển một cơ bắp nào đó bị liệt hay bị yếu sau khi stroke, gọi là kích thích cơ năng điện (functional electrical stimulation; FES). Dây thần kinh bị kích thích, điều khiển cơ bắp co lại mạnh hơn là người bịnh tự mình có thể thực hiện được, sau đó bộ óc "học lại" cách thực hiện động tác đó mà không cần đến máy nữa. Hãng Neuromove sản xuất máy dùng cho cánh tay, tay, cổ chân. Hai máy Odstock Drop Foot Stimulator và WalkAide kích thích dây thần kinh common peroneal nerve dùng cho cổ chân bị yếu (footdrop). Các máy này đắt tiền, chừng US$ 5000-6000.


II) Trong một số trường hợp dòng điện được dùng để trị bịnh não bộ trong y khoa (“electro-cures”). Trong quá khứ, người ta nhận xét ở những người mắc bịnh trầm cảm (depression) nặng hay mắc bịnh thần kinh phân liệt (schizophrenia) đi đôi với chứng làm kinh (kinh phong, epilepsy), triệu chứng 2 bịnh thần kinh trên thuyên giảm sau khi bịnh nhân trải nghiệm một cơn co giật, làm kinh. Từ quan sát đó, người ta thử dùng dòng điện để làm cho bịnh nhân co giật (Italia, 1938) thì nhận thấy có những cải thiện trong triệu chứng tâm thần như trầm cảm và schizophrenia , ngày xưa lúc mà thuốc men chưa có gì nhiều. Ngày nay electroconvulsive therapy ( ECT, "chạy điện", hay theo tiếng Pháp chúng ta gọi là "électrochocs") ít được dùng hơn vì có nhiều cách trị liệu bằng tâm lý và thuốc men, và chỉ dành cho những trường hợp kháng các loại trị liệu thông thường.


Trong ECT thực hành bây giờ, một dòng điện được cho chạy qua đầu (nghĩa là qua não bộ) của bịnh nhân thật nhanh, gây ra một cơn ‘co giật’ (epilepsy ) trong não bộ; vì bịnh nhân đang trong tình trạng mê man do thuốc mê và thuốc làm tê liệt các cơ bắp, những co giật cơ bắp thật sự không xảy ra như ngày xưa lúc ECT còn sơ khai, những hư hại trên xương khớp, cơ bắp do đó ít xảy ra.


Cơ chế ECT không được hiểu rõ, có thể do dòng điện kích thích máu lưu thông trong một số nơi của não bộ, có thể nó thay đổi hay gia tăng các chất truyền dẫn thần kinh như serotonin, có thể nó khuyến khích sự tái tạo các tế bào mới.


Ngoài ra, hiện nay cũng có những trung tâm dùng từ trường tác dụng lên trên não bộ của những người trầm cảm (Transcranial Magnetic Stimulation, TMS)). Trên thị trường có những máy cầm tay tạo nên dòng điện nhẹ chạy qua đầu bịnh nhân và theo quảng cáo được FDA chấp thuận dùng để chữa trầm cảm (cranial electrostimulation hay CES, ví dụ FW Stimulator).


III) Trong những phương pháp kích thích não bộ để tác dụng trên cơ năng, trên cách làm việc của nó, có hai cách tiếp cận:


1) tiếp cận từ bên ngoài, cho dòng điện chạy qua sọ đi vào não mà không cần phẫu thuật, gọi là 'kích thích não bộ không xâm phạm" (Non-Invasive Brain Stimulation, NIBS)


2) mở xương sọ, tiếp cận trực tiếp với mô não, gắn những điện cực lên mô não và qua những dây điện gắn với một máy chạy bằng pin gắn dưới da người bịnh, kích thích các khu não này để ảnh hưởng đến những hiệu lịnh điện từ não phát ra (Deep Brain Stimulation). Ví dụ, kỹ thuật này được áp dụng thành công trong một số trường hợp không trị được bắng những trị liệu ít "xâm phạm” hơn (nghĩa là không cần mổ óc); như bịnh Parkinson nặng, hay bịnh rung vô căn (essential tremor) làm người bịnh rung nhiều quá không sinh hoạt được, hay bịnh dystonia, epilepsy, OCD (obsessive compulsive disorder).


IV. Sau đây chúng ta chỉ bàn về NIBS trong công cuộc phục hồi chức năng vận động của người bị liệt sau khi bị tai biến mạch máu não (stroke).


Trước hết chúng ta bàn sơ về ý niệm về ‘tính dẽo dai của não bộ’, hay ‘brain plasticity’. Trong những năm gần đây, y giới đã thay đổi quan điểm về sức phục hồi của não bộ sau khi bị tổn thương. Các tế bào thần kinh qua phát triển tự nhiên, hay qua học hỏi, kinh nghiệm được kết nối với nhau (‘wired’) qua những cái rể (axon dendrite) của nó thành những mạng lưới, những đường mòn (pathway) của tín hiệu, dòng điện phát ra (‘firing’) rồi dẫn truyền đi từ tế bào này qua tế bào khác, phục vụ cho một cơ năng, công việc nào đó, ví dụ bò, đi, chạy, nói, đánh đàn.


Thay vì theo quan niệm như trước đây, phần nào bị hư hại , ví dụ, do máu không đến nuôi nữa vì vỡ một mạch máu nhỏ, gây stroke, làm bịnh nhân không nói được, thì cơ năng đó (cơ năng nói) sẽ mất luôn. Quan niệm ‘dẽo dai’ (plasticity) cho rằng bộ óc có thể “tái tổ chức”(to reorganize) lại được. Óc có thể điều khiển cho các mạng lưới, các pathway kết nối các tế bào thần kinh nối lại (rewiring), đi ngã khác tạo nên những ‘pathway’ mới, những mạng lưới mới để thay thế những pathway bị hư hại; tương tự như con sông bị nghẽn chỗ này sẽ đâm nhánh qua những con kênh nhỏ khác. Não bộ dùng những vùng não khác còn nguyên vẹn chung quanh chỗ bị hư hại, dạy cho những neuron “làm" công việc mới, nối kết lại trong những hệ thống mới, trong nguyên tắc là "tế bào neuron cùng ‘bắn’ [phát tín hiệu] cùng nhau sẽ nối kết với nhau" (Neurons that fire together wire together [Donald Hebb, 1949]). Não bộ cũng dùng những vùng cùng nhiệm vụ ‘đồng nhiệm’ ở bên bán cầu não bên kia. Vì thường những vận động chỉ dùng bên bán cầu não trội (dominant hemisphere), thường là bên não trái (90%), cho những cử động của các cơ bên phải, vùng vận động cho ngôn ngữ cũng nằm bên óc trái. Bán cầu não bên phải đóng vai trò như một ‘bánh xe xơ-cua’, còn xài được. Trong lúc còn bình thường, có một sự ngăn trở giữa hai bán cầu não, để não bên trái không cản trở công việc của bán não trội, tuy nhiên sau khi não trội bị tổn thương, sự trao đổi giữa hai bên có thể gia tăng, và sự can thiệp của bên bán não phải (không trội, non-dominant hemisphere) có thể trở thành vấn đề làm chậm lại tiến trình phục hồi của não trội bên trái.


Người ta ghi nhận kết quả đáng kể của tác dụng dòng điện lên trên sự phục hồi của cơ năng vận động, nhưng chưa có kiến thức cụ thể, chắc chắn nó tác dụng như thế nào. Người ta nghĩ rằng tác dụng dòng điện trên não bộ làm "điều hoà" (to modulate) những cố gắng khác nhau của mô não trong cố gắng tái tạo của não bộ, một yếu tố quan trọng là giảm tác dụng , giảm can thiệp của bán cầu não phải để cho phép bán não trái vận dụng những vùng chung quanh vết thương của nó một cách hữu hiệu hơn.


Có hai cách kích thích não bộ:


1) Kích thích trực tiếp bằng dòng điện xuyên qua sọ, từ máy phát điện đi vào điện cực dán vào da đầu (Transcranial direct current stimulation (tDCS) of the brain)


2) Kích thích qua sọ bằng từ trường, từ trường thẳng góc với sọ sẽ được biến thành một dòng điện kích thích vỏ não phía dưới (Repetitive transcranial magnetic stimulation (rTMS)


Cả hai phương pháp này đều đang trong vòng khảo cứu. Theo tôi tìm hiểu thì bịnh nhân nếu muốn tham gia cần gia nhập những nhóm thử nghiệm lâm sàng. Tốt hơn hết là nên hỏi các chuyên viên y khoa phục hồi của mình hay hỏi bác sĩ chuyên khoa thần kinh nơi mình ở.


Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 5 tháng 7 năm 2017.


1)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4564042/
2)http://www.rcpsych.ac.uk/healthadvice/treatmentswellbeing/ect.aspx
3)https://blogs.scientificamerican.com/cross-check/return-of-electro-cures-symptom-of-psychiatry-s-crisis/
4)http://www.zynexneuro.com/neuromove/


Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1050 guests

cron