Sẹo lồi và keloid

PostThu Aug 24, 2017 10:00 am

VOA - Arts and Entertainment


Một nữ thính giả ở D.C. Mỹ, hỏi về sẹo lồi và keloid.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:



Sẹo lồi và keloid.


Bình thường, lúc da bị một vết thương, mô xơ sẽ thành hình và lấp đầy chỗ trống bằng mô xơ, gồm những sợi collagen giống như collagen trong da bình thường, chỉ khác ở trong sẹo các sợi collagen xếp song song cùng một hướng, trong lúc bình thường các sợi này đan với nhau như các sợi lạt của một cái giỏ tre, cho nên chất collagen trong sẹo không co giãn, không chịu đựng tia cực tím, và không chứa các chân lông hay hạch mồ hôi như da thường. Mô xơ mọc đến mức vừa phải rồi ngưng. Nếu không đủ collagen, thẹo sẽ lõm xuống (atrophic scarring).


Lúc mô xơ bằng collagen này được sản xuất nhiều quá, sẽ gây ra sẹo phì đại (chỉ lồi lên, không lan ra; raised scar, hypertrophic scar), và nếu mô sẹo lan ra chung quanh, lan rộng ra khỏi ranh giới vết thương, gây ra sẹo keloid (gốc Hy Lạp: khele=càn cua; thẹo lồi lên, giống như càn cua). Da người da đen có nhiều tế bào fibroblast (sinh ra collagen để sẹo thành hình) và fibroblast to hơn là ở người da trắng nên họ dễ bị sẹo lồi hơn. Người da màu bị sẹo lồi hơn người da trắng. Người gốc Trung Hoa ở Á Châu, đây là bịnh ngoài da thường gặp hơn cả. Có yếu tố gia đình, 1/3 có người trong gia đình cùng bịnh; tuổi 20-30 dễ bị sẹo lồi hơn trẻ em và người già.


Có những chất làm vết thương khó chịu, lâu lành và dễ tạo nên sẹo lồi. Cách đây mấy chục năm, chúng ta dùng "teinture d'iode", thuốc bôi có chất i-ốt (tincture of iodine) để sát trùng vết thương, nhưng nay không dùng nữa cho các vết thương nhỏ vì nó gia tăng khả năng gây thẹo. Trong một số trường hợp, ví dụ một số bộ lạc Châu Phi, hay trong một loại nghệ thuật da dùng sẹo như là một biểu hiện nghệ thuật (scarification), người ta cố tình tạo nên các thẹo lồi, cố tình kéo dài thời gian lành vết thương và kích thích sẹo thành hình bằng những chất như nhế đất sét, tro vào vết thương, chà chanh, kem đánh răng, tincture of iodine.


Những nơi thường gặp sẹo phì đại, keloid nhất là: tai (vd sau khi xỏ lổ tai), ngực, lưng, cổ (sau khi bị mụn). Không xảy ra trên mặt, trừ vùng quai hàm. Hiếm khi thấy ở bộ phận sinh dục, lòng bàn tay bàn chân. Đặc biệt các sẹo lồi ở ngực dễ trở thành keloid, nghĩa là lan rộng ra khỏi ranh giới vết thương. Thẹo lồi xuất hiện hàng tháng sau khi vết thương lành, và tiếp tục lớn thêm từ từ trong vài tuần vài tháng, có khi kéo dài tăng trưởng năm này qua năm khác. Có lúc thì tăng thể tích nhanh chóng, lớn gấp ba chỉ trong vài tháng. Càng ngày, màu càng đậm thêm,đậm hơn da bình thường. Kích thước có thể chừng vài cm cho đến chừng 20 cm (vùng lưng, vai).


Triệu chứng chính là ngứa, và đau. Ở vùng khớp thẹo lồi có thể làm co rút đoạn quanh khớp.


Trị liệu: mục đích chính là vấn đề thẩm mỹ.


1)Chích thuốc vào sẹo: thường là chất corticoid; chích 3-4 tuần một lần, chừng 4 lần. Lúc đầu thẹo sẽ mềm ra, sau đó teo lại (50-80%). Tuy nhiên nhiều người tái lại sau chừng 5 năm.


2) Phẫu thuật: cắt bỏ thẹo keloid. Tuy nhiên gần như chắc chắn là sẽ sẽ trở lại. Có người cho đây là một nghịch lý (“counter-intuitive”) vì giải phẫu sẽ gây ra một vết thương mới lớn hơn nữa, và có khả năng gây ra keloid mới, có người phải mổ đi mổ lại nhiều lần và cuối cùng bỏ cuộc. Cho nên bs có thể kết hợp với những phương pháp khác sau khi mổ: như chích thuốc, dùng xạ trị (radiation), đè nén (compression) sẹo, ví dụ dùng bông tai đặc biệt kẹp trái tai lại sau khi bị sẹo lồi; áo, quần siết vào hay băng chặt vùng sẹo phải mang 16 giờ/ngày trong 6-12 tháng [pressure garnment], khó thực hiện); xạ trị (radiation)(bắt đầu trong vòng 7 ngày sau khi mổ).


3) Silicone gel để làm sẹo teo lại, hay ngăn ngừa tái lại sau khi mổ.(vd: “Kelo-cote scar gel”). Băng chặt lại sau khi thoa thuốc chế từ chất silicone (Occlusive therapy with silicone-derived materials).


4) "Đốt" bằng sức lạnh cực thấp (cryosurgery),cho những thẹo nhỏ; có thể kết hợp với chích thuóc vào sẹo.


5) Xạ trị (radiation); tốt hơn là áp dụng sau khi giải phẫu.


6) Cột (ligature): bs dùng sợi chỉ may cột chung quanh eo của sẹo lồi; cột thắt thêm mỗi 2-3 tuần, cho đến lúc “cục thịt” rụng.


Chúc bịnh nhân may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


Ngày 30 tháng 5 năm 2017


References:


1) American Academy of Dermatology: Keloids


2) Aetna: Radiation treatment for Non-Oncologic Indications


http://www.aetna.com/cpb/medical/data/500_599/0551.html


Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.


Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1051 guests

cron