Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Mỹ John Kerry trong chuyến công du cuối cùng đã ghé qua Việt Nam và khuyên Hà nội nên thận trọng trong tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại mới.
Ông Kerry đưa ra lời khuyên này trong bài phát biểu tại Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố HCM hôm 13/1 trong chuyến thăm cuối cùng tới Việt Nam với tư cách ngoại trưởng Mỹ.
Vào lúc sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ, ông Kerry nói ông không thể đoan chắc liệu hiệp định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TTP) có tồn tại hay không, nhưng ông khuyên Việt Nam không nên vội vàng chấp nhận một hiệp định thương mại nào đó để thay thế TPP và hy sinh những điều khoản kinh doanh có lợi đã đạt được trong TPP.
Hiệp định TPP gồm 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam, được coi là “chết lâm sàng” sau khi tổng thống đắc cử Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút ra khỏi hiệp định bao trọn 40% GDP toàn cầu này. Ông Trump nói ông sẽ chính thức tuyên bố quyết định này trong lễ nhậm chức ở Washington vào ngày 20/1.
Việt Nam được các chuyên gia kinh tế đánh giá là nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thương mại TPP. EuroAsia Group ước lượng với TPP, lượng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28% trong vòng 1 thập niên tới và lượng hàng may mặc và giày da xuất khẩu sẽ tăng 50% trước năm 2025.
Việt Nam cũng đã hoãn thông qua TPP và đang đàm phán hiệp định Đối tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) do Trung Quốc đề xuất. Đây là hiệp định thương mại mà Trung Quốc đề nghị để thay thế TPP và bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.
Ông Kerry cho rằng “có những nước sẵn sàng tham gia các hiệp định một cách vội vã mà không đòi hỏi những tiêu chuẩn cao và làm như vậy có vẻ tiện lợi trong ngắn hạn”, ám chỉ hiệp định RCEP mà Trung Quốc đang thương thảo với 15 nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhưng không có Mỹ.
Giáo sư Carl Thayer của trường đại học New South Wales cho rằng Việt Nam sẽ “rất thực tế và làm những gì tốt nhất có thể để bảo vệ nền kinh tế.”
"Việt Nam đang rơi vào tình trạng thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc và vấn đề này khó có thể giải quyết. Sẽ không có cách gì Việt Nam cân bằng được cán cân thương mại với Trung Quốc. Đó là một thực tế. Việt Nam cần có cái gì đó khác để giúp trong việc này. VN cần tiến vào thị trường châu Âu. Họ cần tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ.
Nhưng theo Giáo sư Thayer, TPP chưa hẳn đã chết bởi tổng thống đắc cử Donald Trump là người “khó đoán được” và nội các mới vẫn còn đang trong giai đoạn hình thành.
Từ khi đắc cử, ông Trump đã thay đổi một số lập trường so với những gì mà nhà tỷ phú này đã tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử.
Giáo sư Thayer cho rằng nếu không có được TPP thì Việt Nam, cũng như 6 thành viên khác tham gia đàm phán hiệp định này, sẽ cần đạt 1 hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ.