Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton tiếp tục giữ lập trường sẽ không ủng hộ hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Tổng thống Barack Obama đang tìm cách thông qua trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào cuối năm nay.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump tối hôm qua, bà Clinton bác bỏ cáo buộc cho rằng bà sẽ ủng hộ hiệp định thương mại đa phương lớn nhất mà Mỹ đang thương thảo với 11 nước khác trong đó có các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, và các đối tác thương mại truyền thống của Mỹ như Nhật Bản, Canada và Mexico.
Khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, bà Clinton chính là người đã giúp tổng thống xúc tiến việc thương thảo hiệp định này. TPP là một ưu tiên chính trong chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.
Bà Clinton từng cho rằng TPP “đặt ra một tiêu chuẩn vàng và hiệp định để mở ra một môi trường thương mại minh bạch và công bằng” và với 40% thương mại toàn cầu, bà cho rằng hiệp định TPP sẽ tạo ra một cơ chế có thể bảo vệ công nhân và môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên bà Clinton đã thay đổi lập trường đối với TPP mặc dù hiệp định này đã được 12 nước thành viên thông qua tại một hội nghị ở New Zealand hồi đầu năm nay. Trong một lần phát biểu trong chiến dịch vận động để tranh sự đề cử của đảng Dân chủ vào tháng 8 năm ngoái, bà Clinton tuyên bố sẽ ngăn cản bất cứ hiệp định thương mại nào lấy đi việc làm của công nhân Mỹ, kể cả TPP. Cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ nói bà sẽ chống đối TPP ngay cả sau cuộc bầu cử và nếu đắc cử, trong thời gian bà làm tổng thống.
Giáo sư kinh tế chính trị học chuyên về châu Á của đại học Leiden ở Hà Lan, Jonathan London, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng đó là một trò chơi chính trị của các ứng cử viên tổng thống. Ông nói:
"Cả bà Clinton lẫn ông Trump là những người nói dối hơi mạnh nhưng trên thực tế họ rất muốn ủng hộ chính trị quần chúng ở Mỹ và người Mỹ sau khoảng 30 năm không thấy tiến bộ nào thực sự về mức sống và thu nhập của họ một cách đáng kể thì có xu hướng bác bỏ các hiệp định thương mại mới."
Đó là một phần lý do quốc hội Việt Nam đã hoãn thông qua TPP trong kỳ họp tiếp theo vào tháng sau như dự kiến trước đây. Các nhà lập pháp Việt Nam muốn chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 8/11. Để có được TPP, Việt Nam phải cam kết thực hiện những điều kiện khắt khe về cắt giảm thuế và tuân thủ các quy định về lao động đối với công nhân.
Tổng thống Obama hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà lập pháp phê chuẩn TPP trước cuối năm nay nhưng sự chống đối của bà Clinton giờ đây đang cho thấy trở ngại về chính trị đối với các nỗ lực của ông Obama.
Theo nhà nghiên cứu về Việt Nam Jonathan London, “hy vọng đối với TPP hiện nay cũng khó lắm.”
Ông cho biết: "Theo nhận xét của đa số người bình luận bên Mỹ và các nước khác thì khả năng TPP sẽ được thông qua trong thời gian tới đây và một tương lai gần là chưa cao lắm. Nhưng chúng ta phải chờ xem."
Đầu tháng này, tổng thống Obama đã có chuyến công du cuối cùng của ông tới châu Á trong đó TPP là một trọng tâm của chuyến đi thứ 11 của ông tới khu vực được coi là rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay khi Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực này. Ông Obama đã tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Á rằng Mỹ sẽ thúc đẩy quốc hội Mỹ thông qua TPP vào cuối năm nay với hy vọng chính sách xoay trục châu Á của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sau khi ông rời Nhà Trắng.