Hỏi đáp Y học: Thịt dư da (Skin tags)

PostSat Jun 11, 2016 3:32 pm

VOA - Arts and Entertainment

Thịt dư da (Skin tags).

Thính giả Huy Nguyễn, 55 tuổi, ở California, hỏi:


“Thưa Bác sĩ,


Tôi ở Mỹ đến nay được 15 năm.


Trước đây trên vùng cổ của tôi không có những cái mụn giống như mụn thịt dư. Lúc ở Việt Nam thì tôi không bị. Sau khi qua Mỹ được 3 năm, tôi thấy bắt đầu xuất hiện những cái mụn xung quanh vùng cổ của tôi. Tôi thấy ở đây cũng có nhiều người bị như tôi.


Khi đi khám về cholesterole, cao máu, cao mỡ, đường, tôi đều không bị gì hết. Tôi đều bình thường.


Nó chỉ làm tôi khó chịu về mặt thẩm mỹ thôi, chứ nó cũng không ngứa và cũng không có gì hết.


Tôi muốn hỏi cái đó là cái gì? Để lâu có bị gì không? Để lâu có tác hại gì không?


 Xin cảm ơn Bác sĩ."


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:


Hỏi đáp Y học: Thịt dư da (Skin tags)





Hỏi đáp Y học: Thịt dư da (Skin tags)i








|| 0:00:00

...  
 

 






Thịt dư da (Skin tags)


Một số người, thường là sau tuổi trung niên thấy trên da mình xuất hiện những miếng thịt dư nhỏ, mềm, không đau, cùng màu da chung quanh, đậm hay đỏ hơn. Thường là ở mí mắt, cổ (nơi dễ thấy nhất), nách, hai bên bẹn (háng), dưới vú phụ nữ.


Một người có thể có chỉ một skin tag, hoặc có khi hàng trăm cái. Hoặc nhỏ như đầu viết chì, hoặc to hơn, có khi cả vài centimet. Trung bình to chừng 2-5mm, có khi bằng trái nho, có khi to bằng trái chanh (5cm).


Nam nữ tỷ số giống nhau. Các em bé mập có thể có skin tag các nơi da chạm da như hai bên cổ, các thanh niên thể thao nhiều có thể có skin tag ở nách. Trẻ dụi mắt nhiều do ngứa mắt có thể bị skin tag mọc ở mắt. Nói chung là những nơi da chạm vào da hoặc áo quần cõ xát vào da, chạm vào da thường xuyên. Người mập, người bị tiểu đường, hay người có đề kháng với insulin (insulin resistance: tế bào họ không đáp ứng với hormone tùy tạng là insulin cho nên tế bào không dùng glucose do máu đem đến một cách hữu hiệu, mức đường trong máu có thể cao hơn bình thường, mặc dù mức insulin được sản xuất lại tăng). Người có mỡ cao trong máu, người thuộc hội chứng biến dưỡng (metabolic syndrome: bụng to, mỡ triglycerides trong máu cao, áp huyết cao, cholesterol HDL cholesterol “tốt” thấp) cũng bị skin stags nhiều hơn.


Cấu trúc: Skin tag gồm một cái cuống (stalk) và một cái túi gồm một lớp biểu bì (epithelium), là tế bào phía ngoài của da, bao bọc một cái lõi có những tế bào hạ bì (dermis) với những sợi collagen sưng và lỏng lẻo.


Định bệnh: tương đối dễ dàng. Tuy nhiên bác sĩ có thể phải loại bỏ các khả năng khác trong một số trường hợp. Ví dụ một số người có một cục “thịt dư” nằm trước lỗ tai, bẩm sinh chứ không phải mới mọc lên (ear tag, preauricular tag). Skin tags mọc ở vùng hậu môn (perianal skin tag), vùng bộ phận sinh dục cần được phân biệt với những bệnh do virus, nhiễm trùng gây ra. Ví dụ “mồng gà hoa khế” do virus u nhú [condyloma acuminata due to HPV] đỏ, ướt). Skin tags mọc ở vùng hậu môn thường đi đôi với những điều kiện làm tổn thương vùng hậu môn, làm hậu môn bị nứt nẻ, như bệnh bón, sinh đẻ và hoạt động tính dục qua hậu môn. Một số u, bướu ngoài da như mụn ruồi (moles, nevus), ung thư da (mụn ruồi lớn nhanh, đổi màu, bờ mụn lan ra không đều), cần bác sĩ phân biệt, và nếu nghi phải thử sinh thiết (biopsy).


5 tiêu chuẩn (ABCDE) để theo dõi và nghi ngờ mụn ruồi biến thành ung thư melanoma:


1) Asymmetry: bất đối xứng,

2) Border: uneven border; bờ mụn lan ra không đều,

3) Color change: đổi màu, (thay vì mụn ruồi nâu đều, đổi qua nhiều màu như nâu đậm và nhạt, đen, trắng , đỏ;

4) Diameter: đường kính mụn lớn nhanh,

5) Evolving: chuyển biến, thay hình đổi dạng


Về trị liệu: Skin tag có thể tự nó rụng, hoặc vỡ ra rồi biến mất. Bác sĩ có thể cắt (excision), cột (ligation), đốt bằng laser, điện (cauterization), "đốt" bằng lạnh (cryosurgery) , phần lớn vì lý do thẩm mỹ; đôi khi vì skin tag ở chỗ ẩm ướt ngứa ngáy, làm bệnh nhân gãi, gây chảy máu, hoặc nghi ngờ bệnh gì rắc rối hơn, cần cắt đem đi thử thịt (biopsy). Một số người sợ nếu cắt hay đốt các skin tag này, nó sẽ nhảy thêm các mụn khác. Điểm này không đúng; có thể người ta lẫn lộn với mụn cóc (wart) do siêu vi HPV gây ra, thì đấy là chuyện khác.


Xin nhắc lại là những nhận xét trên đây chỉ có mục đích thông tin tổng quát , không có chủ ý giúp định bệnh hay tự chữa trị. Bệnh nhân cần đi khám bệnh với bác sĩ.


Chúc bệnh nhân may mắn.


Bác sĩ Hồ Văn Hiền


-------------------------------------


Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.


Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com


Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.


Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.


NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1316 guests

cron