Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 20 giữa Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ diễn ra vào ngày 25/4, đầu tuần tới.
Thông cáo báo chí trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay cuộc đối thoại năm nay được tổ chức tại thủ đô Washington DC.
Bấm vào để nghe phần âm thanh
Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, Lao động, ông Tom Malinowski, dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ và phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Quang Anh, Tổng giám đốc Văn phòng Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại Giao làm trưởng đoàn.
Thông cáo nói cuộc đối thoại nhân quyền lần này sẽ bàn về nhiều vấn đề, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong các lĩnh vực như cải cách luật pháp, nhà nước pháp quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động, người tàn tật, người đồng tính hay chuyển giới.
Ngoài ra, đôi bên Việt-Mỹ cũng sẽ thảo luận về hợp tác đa phương cũng như trường hợp của các cá nhân đang được công luận quan tâm liên quan đến nhân quyền Việt Nam.
Thông cáo từ văn phòng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nhân quyền vẫn là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ và là lĩnh vực chủ chốt của quá trình đối thoại tiếp diễn trong khuôn khổ mối Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần này diễn ra không bao lâu sau một loạt án tù Hà Nội vừa tuyên phạt các nhà hoạt động nhân quyền, chống tham nhũng và phản đối tình trạng cướp đất. Chỉ trong tuần cuối tháng 3 vừa qua, có 7 người bị lãnh các mức án từ 3 tới 5 năm tù vì các tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ và ‘tuyên truyền chống nhà nước’ lần lượt theo điều 258 và điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, những điều khoản bị cho là có nội dung mơ hồ nhằm trấn áp những người bất đồng quan điểm hoặc chỉ trích nhà nước.
Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói ‘Sử dụng các điều khoản hình sự để ngăn chặn quan điểm bất đồng rất đáng lo ngại và không phù hợp với quyền tự do biểu đạt được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và các cam kết quốc tế khác của Việt Nam’.
Lên tiếng từ Mỹ trong chuyến quốc tế vận kêu gọi các nước gia tăng áp lực buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền, bà Vũ Minh Khánh, vợ luật sư nhân quyền đang bị giam cầm Nguyễn Văn Đài, chia sẻ:
“Nước Mỹ luôn đi đầu thế giới về vấn đề quyền con người. Nước Mỹ có được sự văn minh, tốt đẹp như bây giờ đó là vì họ xây dựng trên nền tảng quyền của con người. Việc nhắm tới các lợi ích của con người sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho xã hội, chứ không phải là vấn đề kinh tế điều khiển hay quyền lực điều khiển. Tôi mong muốn nước Mỹ khi đầu tư kinh tế hay các mặt nào khác vào một quốc gia thì buộc đất nước đó phải có nhân quyền để đảm bảo rằng quyền lợi đó đến được với tất cả mọi người dân”.
Hoa Kỳ, các nước Tây phương và các tổ chức nhân quyền quốc tế liên tục kêu gọi Hà Nội ngưng đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa, tuân thủ cam kết bảo vệ nhân quyền và đây cũng là lý do và là nội dung chính của các cuộc đối thoại nhân quyền giữa các nước như Mỹ, Australia, hay Liên hiệp châu Âu với Việt Nam hằng năm.
Thân nhân nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài bày tỏ nguyện vọng:
“Nhà nước Việt Nam nên xem xét lại bản thân mình. Hãy lắng nghe tiếng nói chung của cộng đồng thế giới. Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn quá lạc hậu, quá yếu kém. Tôi mong chính quyền Việt Nam hãy nhìn nhận lại mình, học tập theo các nước khác để người dân Việt Nam được hưởng những gì tốt đẹp hơn”.
Hà Nội không thừa nhận vi phạm nhân quyền, chỉ công nhận còn những vấn đề cần khắc phục và cho rằng có cách biệt trong quan điểm nhân quyền giữa các nước cần được thu hẹp.
Đáp lại, cộng đồng quốc tế nói nhân quyền là giá trị phổ quát trên toàn cầu, không thể có cách biệt trong cách diễn giải và áp dụng giữa nước này với nước khác.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đầu tháng này tố cáo qua việc siết chặt kiểm soát các nhà hoạt động, các blogger và các nhà bình luận xã hội độc lập, Việt Nam đang thách thức phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Human Rights Watch đề nghị: ‘Các hành động đó phải được đáp trả bằng sự lên án mạnh mẽ để chính quyền Hà Nội thấy rõ là để được các nước đối tác thương mại tôn trọng thì bản thân phải tôn trọng nhân quyền’.