Mỹ và Trung Quốc hôm thứ tư đạt được thoả thuận về việc áp đặt các biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc lên Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng hoả tiễn tầm xa hồi gần đây của Bình Nhưỡng. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại Seoul, hôm nay Hoa Kỳ sẽ trình cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bản sơ thảo nghị quyết về chế tài Bắc Triều Tiên.
Loan báo về thoả thuận chế tài Bắc Triều Tiên được đưa ra trong chuyến viếng thăm Washington của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông Vương đã họp với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice hôm thứ tư, một ngày sau khi thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ned Price, cho biết bà Rice và ông Vương đồng ý với nhau là phải có một sự đáp trả “mạnh mẽ và nhất trí” đối với những vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên, kể cả những biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Cho June Hyuck, ngày hôm nay nói sơ thảo nghị quyết này là “mạnh mẽ và toàn diện.”
"Sơ thảo này có nhiều biện pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn so với tất cả những gì đã có trong quá khứ."
Thoả thuận này, theo các nhà phân tích, là một sự thoả hiệp giữa lập trường của Washington là áp đặt những biện pháp chế tài làm cho kinh tế của Bắc Triều Tiên bị suy sụp nhằm buộc ông Kim Jong Un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân với sự chú trọng của Trung Quốc tới việc duy trì ổn định và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.
Ông Bong Young Shik, một chuyên gia về Đông Bắc Á của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho rằng qua việc tán thành những biện pháp chế tài quốc tế mới, Bắc Kinh thừa nhận là cách tiếp cận có tính chất hoà hoãn của họ đối với Bình Nhưỡng đã không có tác dụng và cần phải thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn.
"Hiện nay Trung Quốc đang xem xét mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên với một thái độ nghiêm túc hơn trước đây rất nhiều."
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 23/2/2016.
Bắc Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc chế tài từ năm 2006 vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng hoả tiễn. Bên cạnh lệnh cấm vận vũ khí, Liên Hiệp Quốc còn cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu, nhập khẩu kỹ thuật hạt nhân và phi đạn, và không được nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Chế tài nhắm vào các Bộ, Cơ quan, Ngân hàng
Hãng tin Yonhap của Nam Triều Tiên cho biết các biện pháp chế tài mới sẽ nhắm vào Bộ Công nghiệp Nguyên tử năng và Cơ quan Phát triển Không gian Quốc gia của Bắc Triều Tiên. Cơ quan gọi tắt là NADA này đã thực hiện vụ phóng hoả tiễn hồi đầu tháng hai.
Tổng cục Trinh sát Bắc Triều Tiên cũng bị ghi vào danh sách đen. Cơ quan bí ẩn này đã bị Hoa Kỳ chế tài vì vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony năm 2014.
Một số nhà phân tích cho rằng những biện pháp chế tài nhắm vào các cơ quan và quan chức Bắc Triều Tiên là không đủ mạnh để buộc Bắc Triều Tiên nhượng bộ.
Ông Kim Kwang Jin, một nhà nghiên cứu của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia ở Seoul, cho biết như sau.
"Những chi tiết mà chúng tôi có được vào lúc này là không đầy đủ. Những biện pháp chế tài đó chưa đạt tới mức hữu hiệu và mạnh mẽ."
Cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than đá và các loại khoáng sản khác, cấm nhập khẩu dầu lửa và hạn chế sự tiếp cận của Bắc Triều Tiên đối với các hải cảng quốc tế nằm trong số những biện pháp mà Washington từng ủng hộ.
Giới hữu trách Mỹ cũng muốn siết chặt những sự hạn chế đối với sự tiếp cận của các ngân hàng của Bắc Triều Tiên với hệ thống tài chánh quốc tế.
Truyền thông Trung Quốc và Nam Triều Tiên hồi đầu tuần này cho biết Trung Quốc đã ra lệnh ngưng mua bán thán đá với Bắc Triều Tiên và một số ngân hàng Trung Quốc đã đóng băng các tài khoản của Bắc Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ không hay biết về những diễn tiến đó, nhưng các nhà phân tích cho rằng nhiều người ở Trung Quốc tán thành việc cắt đứt nguồn tài chánh của chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Ông Woo Su Keun, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Đông Hoa ở Thượng Hải, cho biết như sau.
"Trong thời gian qua Trung Quốc đã bàn thảo rất nhiều trong nội bộ của họ về việc ngăn chận dòng chảy của dầu lửa và tiền bạc vào Bắc Triều Tiên."
Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD
Trước khi thoả thuận giữa Mỹ và Trung Quốc được loan báo, nhiều người đồn đoán là Bắc Kinh muốn gây trì hoãn cho thoả thuận để đòi Washington và Seoul từ bỏ kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD.
Trung Quốc và Nga phản đối việc bố trí THAAD ở Nam Triều Tiên vì hệ thống này có thể được dùng để chống lại các lực lượng quân sự của họ trong khu vực.
Hồi đầu tuần này, Đại sứ Trung Quốc ở Nam Triều Tiên, ông Khưu Quốc Hồng, tỏ ý cho biết Bắc Kinh sẽ cắt đứt quan hệ với Seoul về vụ bố trí heht THAAD.
Thứ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Hong Kyun và các nhân vật lãnh đạo của đảng Saenuri đương quyền đã chỉ trích Đại sứ Khưu Quốc Hồng về việc tìm cách gây ảnh hưởng đối với vấn đề an ninh quốc gia của Nam Triều Tiên.