Trung Quốc hôm nay (1/2), tố cáo Hoa Kỳ là mưu tìm mộng bá chủ, viện cớ bảo vệ quyền tự do hàng hải sau khi một khu trục hạm của hải quân Hoa Kỳ tiến vào vùng biển trong phạm vi 12 hải lý cách một đảo đang trong vòng tranh chấp trong Biển Đông.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng khu trục hạm Curtis Wilbur có trang bị phi đạn điều hướng đã áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong một động thái mà Ngũ Giác Đài cho biết là một sự thách thức đối với mưu toan của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do tự do đi lại trong vùng biển quốc tế này.
Theo tin AFP, Ngũ Giác Đài thừa nhận rằng khu trục hạm Curtis Wilbur hôm thứ Bảy vừa rồi đã thực hiện một chuyến hải hành “vô hại” đi ngang qua đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Trường Sa, mà cả Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Trung Quốc trong cùng ngày đã lập tức lên án động thái này, mô tả hành động của Mỹ là 'nguy hiểm và vô trách nhiệm'.
Tại một cuộc họp báo thường lệ hôm nay, 1/2, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hành động của Mỹ gọi là để thực thi quyền tự do hàng hải trong suốt nhiều năm qua trên thực tế ‘không phù hợp với luật pháp được quốc tế công nhận’. Ông cho rằng bản chất của hành động này là để ‘đẩy mạnh quyền bá chủ trên biển của Mỹ dưới chiêu bài tự do hàng hải’.
Theo ông Lục Khảng, việc Washington điều chiến hạm vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn 'đã phớt lờ' quyền hàng hải, an ninh và chủ quyền của nhiều nước ven biển, và 'gây tổn hại nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định khu vực'.
Ông Lục nói việc Mỹ ‘chơi lá bài tự do hàng hải’ đã gây căng thẳng và là một trong những lý do dẫn tới các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hải quân Mỹ cũng có hành động tương tự khi phái khu trục hạm Lassen đi ngang qua một trong các đảo mà Trung Quốc mới xây ở Biển Đông, và lúc đó cũng bị Bắc Kinh lên án.
Phát ngôn viên Lê Hải Bình tái khẳng định chủ quyền ‘không thể tranh cãi’ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lên tiếng về diễn tiến này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói trong tư cách là một thành viên của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển, Việt Nam 'tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982'. Ông nói thêm: 'Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế'.
Ông Lê Hải Bình dịp này đã tái khẳng định chủ quyền ‘không thể tranh cãi’ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một bài xã luận phổ biến hôm nay, tờ Hoàn Cầu Thời báo nói rằng động thái mới nhất của Mỹ cho thấy Washington đang ‘bao vây để kiềm hãm’ Trung Quốc, và nói thêm rằng quân đội nhân dân Trung Quốc không có nhiều phương cách để chận đứng các cuộc tuần tra kiểu này, và vì thế Trung Quốc cần phải tăng chi để nâng cấp các lực lượng quân sự của mình.
Trang mạng của nhật báo Nhân Dân của Trung Quốc số ra hôm nay, nói việc Mỹ ‘xâm nhập bất hợp pháp, không báo trước, vào vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa’ lần này là một hành động cố ý, có tính toán hơn so với lần trước. Theo tờ báo, thì như vậy hành động của Mỹ không khác gì là hành động khiêu khích nhằm can thiệp vào các hoạt động chính đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, để buộc Trung Quốc phải ngưng các công trình xây cất trên các hòn đảo tại đây.
Tờ báo tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động hợp pháp này, và đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ sự khiêu khích nào, và đe doạ rằng Bắc Kinh hoàn toàn có đủ khả năng để tự bảo vệ. Tờ báo kết luận: Mỹ cần phải lưu ý rằng Trung Quốc chưa bao giờ sợ ‘những con cọp giấy’, và nói thêm rằng Mỹ nên làm bạn với Trung Quốc, chứ không nên cạnh tranh với Trung Quốc.
Theo Reuters, People’s Daily, AFP.