Trong số những gương mặt mới lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 được công bố hôm qua, nhiều người chú ý đến ông Nguyễn Thanh Nghị - con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Liệu đây có phải là câu chuyện ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’ như nhận xét của một số người hay không? Trong cuộc phóng vấn với Khánh An của Ban Việt ngữ VOA, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính trị và ngoại giao tại Đại học George Mason, cho rằng đây là một ‘sự thỏa thuận’ trong nội bộ Đảng.
Trước khi danh sách những người được chọn vào Ban chấp hành Trung ương 12 được công bố hôm 26/1, có khá nhiều bình luận cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã sử dụng kế “hiểm tử cầu sinh”, tự xin rút không ứng cử tại hội nghị trù bị 14, để lật ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng trước đối thủ nặng ký là đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chiếc ghế tổng bí thư.
Nhưng sau khi danh sách công bố chính thức loại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khỏi cuộc đua, thì sự xuất hiện của con trai ông là ông Nguyễn Thanh Nghị - hiện giữ chức Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang – lại được xem là thế cờ ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’ của ông Dũng.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên của trường đại học George Mason ở Mỹ, nhận xét:
“Vấn đề của ông Dũng là ông ấy có rất nhiều người thù, thành ra ông phải cố gắng đến phút cuối cùng. Còn nếu không được thì giản dị lắm là hai bên sẽ có sự điều đình với nhau. Nếu con ông ấy vào thì chứng tỏ trong đảng họ cũng có sự thỏa thuận với nhau nào đó, chứ không nói gì chuyện lâu dài cả.”
Nếu ông Trọng được xem là có ‘ưu thế’ hơn ông Dũng ở trong nội bộ đảng, thì ông Dũng lại “giành chiến thắng” trước ông Trọng trong lòng dư luận, mặc dù như nhận xét của bà Đặng Bích Phương trên Facebook cá nhân rằng ‘những người ủng hộ X (ám chỉ ông Nguyễn Tấn Dũng) là TBT chả khoái gì X’.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng phân tích về xu hướng ngả về ông Dũng của dư luận:
“Tôi thấy có 2 lý do: Thứ nhất, trước đại hội, có rất nhiều blog ủng hộ ông Dũng, bởi vì họ chống Tàu nên họ đổ tội cho ông Trọng là người thân Tàu. Thành ra, người ta nói là ‘chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết’. Bây giờ, cái ‘perception’, cái nhìn của người dân là ông Trọng là người thân Tàu. Họ ghét Tàu nên họ nghiêng về ông Dũng, dù rằng họ cho là ông Dũng tham nhũng thối nát, nhưng rất nhiều người hy vọng ông sẽ cải tổ đảng, ông sẽ là một Gorbachev.”
Trong khi khá nhiều người tỏ ra bi quan trước sự kiện ông Dũng bị loại vì cho rằng Việt Nam sẽ lại ‘như cũ’, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng lại cho rằng trên thực tế, hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy ông Dũng sẽ cải tổ mạnh hơn ông Trọng nếu được đắc cử chức tổng bí thư.
“Người ta hy vọng như vậy, nhưng chúng ta thấy là điều quan trọng nhất ở Việt Nam là vai trò của lĩnh vực tư phải quan trọng hơn lĩnh vực công. Đó là điều phải thay đổi. Còn trong thời ông Nguyễn Tấn Dũng, ông dùng ‘những quả đấm thép’, tức là cũng căn cứ vào những xí nghiệp nhà nước. Mà những xí nghiệp nhà nước là tự bản chất nó không thể cạnh tranh được. Thành ra nếu mà ông Dũng ông ấy vẫn còn (dựa vào) xí nghiệp nhà nước thì không thể được. Nói như vậy nghĩa là phải cải tổ nhà nước, ông Trọng hay ông Dũng thì cũng phải cải tổ thôi. Chúng ta không thấy triệu chứng là ông Dũng sẽ cải tổ mạnh hơn xí nghiệp nhà nước, bỏ những đặc quyền đặc lợi."
Sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng chính thức bị loại khỏi sàn đấu cho vị trí cao nhất của đảng Cộng sản, dù có khá nhiều ủng hộ từ phía dư luận, cho thấy rõ ràng ‘những thông tin trái chiều được đưa ra không ảnh hưởng đến kết quả đại hội’, theo lời một ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, nói với báo giới bên lề cuộc họp công bố danh sách Trung ương khóa 12.
Trong danh sách Ban chấp hành Trung ương khóa 12, ông Nguyễn Phú Trọng là ủy viên chính thức cao tuổi nhất – 72 tuổi, và ông Nguyễn Thanh Nghị, ngược lại, là ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất – 40 tuổi.