Trong thập niên qua, chiến lược của Indonesia chống khủng bố bằng hành động của cảnh sát và truy tố hình sự, chứ không phải bằng những biện pháp quân sự, đã thành công trong việc ngăn chặn những mối đe dọa khủng bố ở nước họ. Tuy nhiên, theo tường trình của Thông tín viên đài VOA Brian Padden ở Jakarta, đang có lo ngại là vụ nổi dậy của Nhà nước Hồi Giáo tại Syria và Iraq có thể làm phát sinh những phong trào cực đoan tại quốc gia đông người Hồi Giáo nhất thế giới này.
Tại trường nội trú al-Hikam bên ngoài Jakarta, các thiếu niên Indonesia đang học cách chống lại ý thức hệ cực đoan Hồi Giáo do các giáo viên Hồi Giáo ôn hoà giảng dạy.
Ông Arif Zamhari, giám đốc chương trình do nhà nước tài trợ, nói những học giả mới được huấn luyện về tôn giáo sẽ được phái tới nói chuyện tại các đền thờ Hồi Giáo trên toàn quốc.
Ông Zamhari nói: “Chúng tôi cho lan truyền học thuyết Hồi Giáo ôn hoà tại cộng đồng chúng tôi ở đây. Vấn đề tại đây là tiếng nói lớn nhất là của các phần tử Hồi Giáo cực đoan. Những nhóm ôn hoà của chúng tôi chưa bao giờ lên tiếng.”
Cuộc tấn công lớn cuối cùng tại Indonesia là vụ đánh bom hai khách sạn tại Jakarta vào năm 2009. Sư kiện này đánh dấu việc chấm dứt gần một thập niên những âm mưu tấn công gây chết người của tổ chức Jemaah Islamiyah và những phần tử hiếu chiến Đông Nam Á có liên hệ với al-Qaida.
Chính phủ đã có thể ngăn chặn những mối đe dọa tại Indonesia bằng cách bắt giữ, nhưng không giết những lãnh tụ khủng bố như giáo sĩ Hồi Giáo Abu Bakar Bashir. Các vụ xét xử đã góp phần làm chuyển hướng công luận chống lại các phần tử hiếu chiến bạo động.
Tuy nhiên đe dọa khủng bố xuất hiện trở lại trong năm nay bằng một video trên mạng cho thấy những chiến binh Nhà nước Hồi Giáo người Indonesia tại Syria xúi giục người Hồi giáo nổi lên chống lại chính phủ tại Jakarta.
Bà Sidney Jones, thuộc Viện Phân tích Chính sách về Xung đột tại Jakarta, nói video này là một lời cảnh báo.
Bà Jones nói: “Lần đầu tiên, người Indonesia thấy Nhà nước Hồi Giáo là một thách thức đối với chủ quyền của Indonesia. Việc này làm phát sinh những phản ứng. Không phải đột nhiên mà vấn đề này trở nên nguy hiểm hơn.”
Kể từ đó, cảnh sát đã bắt giữ một số người địa phương ủng hộ Nhà nước Hồi Giáo và có thể sẽ xét xử những người này về tội hỗ trợ những hành vi nổi loạn tại một quốc gia thân hữu. Giới hữu trách có thể cũng đã thu hồi hộ chiếu của khoảng 150 người Indonesia đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi Giáo tại Syria.
Tuy một số tổ chức nhân quyền lo ngại về việc cảnh sát áp dụng chiến thuật mạnh tay trong lúc ít có sự giám sát của các tổ chức dân sự, Indonesia vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược chống khủng bố của mình.
Một số lãnh tụ Hồi Giáo ôn hoà ủng hộ việc ngăn chặn nguồn tài trợ cho giáo dục tôn giáo của những tổ chức ở nước ngoài, đặc biệt là từ Iran và Ả Rập Xê-út, nhưng việc cấm đoán như thế cũng bao gồm các tổ chức truyền đạo của Cơ Đốc Giáo.
Bà Siney Jones nói càng ngày càng có nhiều người Indonesia sử dụng truyền thông xã hội để lên tiếng chống lại chiến thuật bạo động cực đoan của Nhà nước Hồi Giáo.
Bà Jones nhận định rằng: “Một trong những chuyện khá lý thú về sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi Giáo là hầu hết những người Hồi giáo giòng chính tại Indonesia cảm thấy kinh hoàng đối với nhóm này.”
Mối đe dọa mới nhắc nhở nhiều người Indonesia là cuộc chiến của họ chống lại khủng bố vẫn chưa kết thúc, tuy 5 năm đã trôi qua mà không xảy ra vụ tấn công khủng bố nào.