Tại một cuộc họp báo chung với ông Brahimi ở New York hôm thứ Ba, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon loan báo nhà điều giải này sẽ rời khỏi chức vụ vào ngày 31 tháng 5.
Trong gần hai năm, ông Brahimi đã tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến tàn bạo và đang tiếp diễn ở Syria. Ông đã phải đối mặt với những thách thức hầu như không thể nào vượt qua, với một nước Syria, khu vực Trung Đông và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn lâm vào tình trạng chia rẽ cực độ về cách thức để chấm dứt cuộc xung đột.
Mặc dù không đạt kết quả trong việc điều giải một thỏa thuận hòa bình, ông Brahimi bày tỏ sự tin tưởng là vụ khủng hoảng này sẽ chấm dứt.
"Câu hỏi duy nhất, và câu hỏi mà tất cả những ai có trách nhiệm và có ảnh hưởng trong tình hình này phải nhớ, là bao nhiêu người nữa phải chết, bao nhiêu sự tàn phá nữa phải xảy ra trước khi chúng ta có thể thấy lại một nước Syria như trước đây?"
Ông Brahimi đã cố gắng rất nhiều để khởi động lại cuộc thương thuyết. Nhưng nỗ lực đó đã bị thất bại với việc chính phủ Syria loan báo tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng tới.
Ông đã lên thay cho cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan để làm nhà điều giải quốc tế vào tháng 8 năm 2012. Ông Annan cũng đã thất bại trong việc diaug cho một cuộc ngưng bắn ở Syria.
Trong một diễn tiến khác, Ngoại trưởng Martin Lidegaard Đan Mạch, là nước cung cấp một trong hai chiếc tàu dùng để đưa vật liệu vũ khí hóa học ra khỏi Syria, đã hối thúc Damascus nhanh chóng từ bỏ những vật liệu cuối cùng trong kho vũ khí hóa học của họ.
Ông Lidegaard nói rằng các chiếc tàu này không có quyền ở lại sau thời hạn chót là ngày 30 tháng 6.
"Giờ đây chúng tôi đã thật sự thu thập 92% số vũ khí hóa học của Syria. Số đó vẫn chưa đủ, chúng tôi vẫn còn 8% và sẽ làm tất cả những gì có thể làm để đưa số vật liệu đó lên tàu để chở đi và tiêu hủy chúng càng sớm càng tốt."
Với sự hộ tống của các khu trục hạm, chiếc tàu chở hàng của Đan Mạch, cùng với một chiếc tàu của Na Uy, đang có mặt ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải để nhận hóa chất độc hại của Syria. Họ đang chờ tin để cập cảng Syria để vận chuyển số hóa chất còn lại.
Syria đã đồng ý tiêu hủy vũ khí hóa học để tránh một cuộc tấn công mà Hoa Kỳ có thể thực hiện, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân ở ngoại ô Damascus hồi tháng 8 năm ngoái. Vụ này giết chết hơn 1.400 người.