Quyết định của các nhà lập pháp Crime lên lịch một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng này về việc liệu Crimea có nên sát nhập với Nga hay không đang tăng thêm căng thẳng về tương lai của bán đảo của Ukraina, nơi trú đóng của Hạm đội Hắc Hải Nga.
Các nhà ngoại giao Tây phương đang tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị ở Ukraina và Nga để thương nghị một giải pháp cho vụ đối đầu về Crimea, mà lực lượng Nga chiếm đóng hồi tuần trước. Và quyết định của quốc hội vùng này yêu cầu Moscow cứu xét lời yêu cầu ly khai khỏi Ukraina và sát nhập với Nga đang được các nhà lập pháp Ukraina coi là một hành động khiêu khích.
Đặc sứ của Liên hiệp châu Âu tại Ukraina, Jan Tombinski, nói Crimea không thể tách khỏi Ukraina và sát nhập với Nga dựa vào một cuộc trưng cầu dân ý chỉ giới hạn trong vùng Crimea. Viện dẫn điều khoản 73 trong hiến pháp Ukraina, ông nói một cuộc trưng cầu dân ý như thế là bất hợp pháp.
Ông Tombinski nói: “Điều khoản này quy định rằng đường lối duy nhất là một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn cõi Ukraina. Vì thế, dưới ánh sáng của hiến pháp đang có hiệu lực ở Ukraina, trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ, kể cả Ukraina, thì việc này đi ngược lại với quy định ghi trong hiến pháp.”
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kyiv, đặc sứ EU nói chỉ một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc mới có thẩm quyền pháp lý để cho phép một sự ly khai như vậy. Các nhà lãnh đạo lâm thời của Ukraina cũng lên án hành động này là “vi hiến.”
Trong cuộc biểu quyết tại quốc hội Crimea, 78 trong số các nhà lập pháp của khu vực đã bỏ phiếu tán thành việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và sát nhập với Nga. Có 8 người không bỏ phiếu và không có phiếu nào chống lại quyết định.
Trong một thông cáo đăng trên trang web của quốc hội, cơ quan này loan báo đã yêu cầu Moscow “khởi sự thủ tục” cho phép Crimea gia nhập Liên bang Nga.
Trong cuộc trưng cầu dân ý, dân chúng Crimea sẽ được hỏi có 2 câu: Bạn có tán thành việc tái thóng nhất Crimea với Nga hay không? Bạn có tán thành việc giữ nguyên tình trạng Crimea là thuộc về Ukraina hay không?
Crimea đã là một phần của Ukraina từ năm 1954, khi nhà cai trị Sô viết Nikita Khrushchev chính thức chuyển giao khu vực cho Ukraina. Dân chúng trong khu vực phần lớn là người sắc tộc Nga nhưng vùng này cũng là quê cha đất tổ của người Tatar theo Hồi giáo.
Nhà lập pháp Lesya Orobets, một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, nói rằng Crimea phải giữ nguyên tình trạng thuộc về Ukraina.
“Chúng ta không đổi đất để lấy hòa bình. Chúng ta có công dân ở đó. Chúng ta có người Tatar ở Crimea. Đây là tổ quốc của họ. Có 300 ngàn người sống ở đó. họ là người Hồi giáo. Đó là quê hương của họ.”
Theo nhận định của các chuyên gia, đề nghị trưng cầu dân ý sẽ gây phức tạp thêm cho các cuộc thương thuyết ngoại giao đang diễn tiến.