Tin tức về hiến pháp mới đã tràn ngập trên các làn sóng điện của Tunisia sáng nay – quốc gia Bắc Phi này rốt cuộc đã có được một bản hiến pháp mới, hơn 3 năm sau cuộc cách mạng lật đổ lãnh tụ độc tài lâu năm Zine El Abidine Ben Ali.
Thủ tướng Tunisia, ông Mehdi Joma, cũng đã thành lập một tân nội các tạm quyền. Các nhà lập pháp sẽ biểu quyết về các vị bộ trưởng trong tuần này.
Những tiếng reo hò mừng rỡ đã vang lên hồi khuya chủ nhật và các nhà lập pháp đã bắt đầu hát bài quốc ca sau khi hiến pháp được chấp thuận với tỉ lệ 200 trên 216, hoàn thành một trong các bước chót để thiết lập một chính phủ dân chủ.
Chủ tịch Hạ viện Mustapha Ben Jaffar đã phát biểu như sau sau cuộc bỏ phiếu:
"Dĩ nhiên không có gì là toàn hảo, nhưng chúng tôi mạnh mẽ tin rằng hiến pháp này là một cơ sở tốt để thực thi những cơ chế cần thiết và cân bằng để bảo đảm các quyền và tự do của người dân."
Tiến trình soạn thảo hiến pháp mới đã mất rất nhiều thời gian và đôi lúc có những tranh cãi gay gắt, đặc biệt là đối với những vấn đề như quyền của phụ nữ và vai trò của tôn giáo.
Năm ngoái, vụ ám sát hai chính khách có chủ trương thế tục đã làm cho Tunisia rơi vào một vụ khủng hoảng chính trị. Nhưng hôm nay, nhiều người đã tán dương hiến pháp này là một thí dụ điển hình của sự thỏa hiệp giữa phe thế tục và Đảng Ennahda của phe Hồi giáo ôn hòa.
Các tổ chức nhân quyền đã theo dõi sát tiến trình này. Tuy có một số quan tâm về những từ ngữ trong bản hiến pháp liên quan tới quyền tự do ngôn luận, bà Amira Yahyauoi của tổ chức nhân quyền Al Bawala nói rằng hiến pháp này “tốt đẹp 90%.”
"Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể nói rằng dân chủ không phải là một khái niệm Tây phương mà là một khái niệm phổ quát. Và nước này đã trở thành quốc gia dân chủ đầu tiên trong khối Ả Rập, Trước đây Tunisia là phòng thí nghiệm của cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, và rõ ràng nước này là nước duy nhất đã thành công để trở thành một nước dân chủ thật sự trong khối Ả Rập."
Hiến pháp này ngăn cấm tra tấn, bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới và quyền của người dân được xét xử theo đúng trình tự pháp lý. Tuy ghi rõ Hồi giáo là tôn giáo của đất nước, hiến pháp này cũng bảo đảm quyền tự do thờ phượng.
Tại Ai Cập, một nước khác đã trải qua cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, một bản hiến pháp mới cũng đã được thông qua hồi đầu tháng này trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đại đa số cử tri đã bỏ phiếu tán thành, nhưng kết quả đó đã có được chỉ vì chính phủ đã mạnh tay đàn áp phe đối lập.
Bà Amira Yahyauoi của tổ chức nhân quyền Al Bawala nói rằng hiến pháp mới của Tunisia có thể mang lại hy vọng cho người Ai Cập. Bà nói:
"Tôi hy vọng hiến pháp này và tiến trình này sẽ mang lại niềm tin cho dân chúng Ai Cập để họ hoàn thành cuộc cách mạng của họ và mang lại hy vọng và niềm tin cho các nước khác trong khối Ả Rập."
Hiến pháp mới của Tunisia dọn đường cho các cuộc bầu cử dân chủ trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ tạm quyền đang đối mặt với nhiều nhiệm vụ khó khăn, trong đó có việc giải quyết nạn nghèo túng, thất nghiệp và ứng phó với sự trỗi dậy của phe Hồi giáo cực đoan.