Ngoại trưởng Kerry đến Việt Nam vào thời điểm căng thẳng tăng cao với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh đề ra một lập trường quyết liệt về các tranh chấp lãnh hải với các nước trong vùng.
Trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry chỉ trích Trung Quốc về khu vực phòng không mới bên trên các hòn đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản trong biển Hoa Ðông. Ông cảnh báo Bắc Kinh không nên tính tới việc có các biện pháp song phương tương tự ở những nơi khác, kể cả Biển Hoa Nam, mà Việt Nam gọi là Biển Ðông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ loan báo Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 32 triệu đôla để giúp các nước trong vùng tuần tra lãnh hải. Khoản tiền này bao gồm khoảng 18 triệu dành cho Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Kerry diễn ra vào lúc Washington tìm cách trấn an các đồng minh của mình về sách lược “xoay trục châu Á” nhằm tái quân bình sự chú ý về kinh tế, ngoại giao và quân sự dành cho một khu vực được coi là chủ chốt cho tương lai của Hoa Kỳ. Giáo sư Carlyle Thayer của trường Ðại học New South Wales ở Australia nói chuyến đi của Ngoại trưởng Kerry một phần nhắm mục tiêu “tái quân bình lại việc tái quân bình.”
“Việc tái quân bình của Hoa Kỳ luôn luôn nhắm chủ yếu vào mặt quân sự, và tái quân bình sự tái quân bình là để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có những cam kết lâu dài với các hình thức giao tiếp khác với Ðông Nam châu Á và trong vùng châu thổ sông Mekong. Việc này xảy diễn cùng với sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tình trạng biến đổi khí hậu.”
Ngoại trưởng Kerry cũng đi thăm sông Mekong, trở lại nơi ông đã từng chỉ huy một tàu tuần Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
Ông Kerry đã nói chuyện với một nhóm học sinh Việt Nam sống trong các cộng đồng với nền kinh tế dựa vào sông nước, bàn về vấn đề biến đổi khí hậu, và thông báo một khoản đầu tư 17 triệu đôla vào chương trình Rừng và Châu thổ Việt Nam, nhắm mục đích giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.
Trong khi Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có các mục tiêu kinh tế và an ninh, Washington vẫn chỉ trích thành tích nhân quyền của Hà Nội.
Bất chấp tiến bộ đạt được trong nghị trình nhân quyền, kể cả việc ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn, và cho phép một báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền vào nước, Việt Nam cũng đàn áp những người bị cho là chỉ trích chính phủ.
Con số các ký giả và blogger bị bắt giữ thêm tại Việt Nam trong năm nay nhiều hơn bao giờ hết.
Các nhà ngoại giao có mặt tại các cuộc họp của ông Kerry nói ông đã tỏ ra thẳng thắn với các giới chức cấp cao nhất về tầm quan trọng của nhân quyền, và đề cập đến các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, giáo sư Thayer nói các nghị trình kinh tế và an ninh thực tiễn đã chiếm ưu tiên so với nhân quyền trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
“Tiến bộ lâu bền đã lùi bước trước quan hệ đối tác toàn diện. Hoa Kỳ sẵn sàng phát triển quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế và quân sự trong khi đưa ra lời phản kháng và nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng điều đó có lợi cho quý vị bởi vì các nước tôn trọng quyền dân sự, tôn trọng tự do chính trị sẽ có được sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế và như thế sẽ ảnh hưởng tích cực đến chiều hướng quan hệ với Hoa Kỳ.”
Giáo sư Thayer nói yếu tố gây khó chịu nhất cho Việt Nam trong mối bang giao với Hoa Kỳ là Luật về cấm buôn bán vũ khí quốc tế, cấm Việt Nam mua một số thiết bị như kính nhìn ban đêm và trang thiết bị chống bạo động.
Ông Kerry sẽ đi tiếp tới Philippines, nơi ông sẽ đi thăm thị trấn Tacloban bị bão tàn phá, gặp các giới chức cấp cao ở Manila và thảo luận về quan hệ song phương.
- Người dân hiếu kỳ xem đoàn xe của Ngoại trưởng Kerry đi ngang qua.
- Ông đến ấp Kiến Vàng, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển trước sự chào đón của người dân địa phương.
- Sự xuất hiện của vị Ngoại trưởng khiến người dân hồ hởi.
- Ông Kerry ghé vào một tiệm tạp hóa trên đường ra bến tàu.
- Ông mua bánh kẹo và tặng cho những em nhỏ trong tiệm.
- Ông thích thú ngắm nhìn một cái chuồng gà.
- Nhiều sinh viên, học sinh đã có mặt từ sớm tại bến tàu để chờ nghe Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.
- "Hàng chục năm trước trên vùng nước này, tôi là một trong nhiều người chứng kiến một giai đoạn khó khăn trong lịch sử chung của chúng ta. Hôm nay trên vùng nước này, tôi đang chứng kiến quãng đường mà hai nước chúng ta đã cùng nhau vượt qua. Đó chính là tương lai và nên là như thế," Ngoại trưởng Kerry phát biểu.
- Sau phần phát biểu, ông xuống tàu đi thăm lại nơi ông từng phục vụ trong vài trò chỉ huy tuần tra trên sông Cái Nước gần 50 năm trước.
- "Thật lạ," ông Kerry trả lời khi được hỏi về cảm giác của ông khi thăm lại dòng sông này.