Những mối liên hệ giữa Pakistan với cuộc nổi dậy của phe Taliban ở Afghanistan là một nguồn gây căng thẳng kể từ khi chính quyền của phe Hồi giáo hiếu chiến ở Kabul bị lật đổ năm 2001.
Nhiều người Afghanistan cho rằng Islamabad hỗ trợ cho những nhóm hiếu chiến để duy trì ảnh hưởng ở Afghanistan sau khi các binh sĩ tác chiến nước ngoài rút đi. Các nhà lãnh đạo Pakistan đã liên tiếp phủ nhận cáo giác đó.
Ông Humayun Shah Asefi, một chính khách kỳ cựu của phe đối lập ở Afghanistan, cho biết như sau về mối quan hệ với Pakistan.
"Cả hai nước chúng ta phải tìm cách đánh giá các mối quan hệ để thực hiện những biện pháp xây dựng lòng tin, nhưng một số người không nên nghĩ rằng Afghanistan là sân sau của Pakistan. Họ phải thừa nhận Afghanistan là một nước có chủ quyền."
Afghanistan là một nước có chủ quyền, nhưng giống như Pakistan, chính phủ trung ương của nước này cũng đang phải chật vật để kiểm soát các phần đất của quốc gia họ. Trong nhiều năm qua, các giới chức Afghanistan không ngớt tố cáo Pakistan để cho các phần tử hiếu chiến có nơi ẩn náu để phát động những cuộc tấn công xuyên biên giới. Năm nay, các giới chức Pakistan đã đưa ra tố cáo tương tự để chống lại Afghanistan.
Phát biểu hồi tháng 6 trên đài truyền hình Pakistan, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai thừa nhận là các phần tử hiếu chiến chống Pakistan hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan, nhưng ông cho rằng đó không phải là lỗi của ông.
"Vâng, họ có mặt ở đó. Vâng, họ có mặt ở đó bởi vì cuộc chiến tranh chống lại Afghanistan do quân đội Pakistan tạo ra. Đây là những hậu quả của những hoạt động xuyên qua Lằn ranh Durand ở Pakistan hướng tới Afghanistan."
Kể từ năm ngoái, Pakistan đã bắn hàng ngàn quả đạn đại pháo vào lãnh thổ Afghanistan để tấn công các căn cứ của những phần tử hiếu chiến dọc theo đường biên giới trên núi dài 2.500 kilo mét, có tên là Lằn ranh Durant.
Thượng nghị sĩ Afrasiab Khattak của Pakistan cho biết tuy khu vực biên giới vô pháp luật là một vấn đề, nhưng sự thiếu tin tưởng giữa hai chính phủ là một vấn đề lớn hơn.
"Vấn đề thật sự không phải là quản lý biên giới. Vấn đề thật sự là để cho các khu vực biên giới được sử dụng bởi các phần tử hiếu chiến. Điều không may là Pakistan đã làm như vậy trong một thời gian rất lâu và hồi gần đây Afghanistan lại sử dụng thủ đoạn này qua việc che chở những phần tử bị Pakistan truy nã. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấm dứt việc này."
Bất chấp những mối căng thẳng trong vùng biên giới có nhiều bạo động, trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy các mối quan hệ bắt đầu được cải thiện.
Kể từ khi tân chính phủ của Thủ tướng Nawaz Sharif lên nắm quyền hồi tháng 6, các giới chức Afghanistan đã hoan nghênh việc Pakistan sẵn lòng trả tự do cho những phần tử chủ chiến có thể giúp ích cho cuộc hòa đàm với phe Taliban.
Trong chuyến viếng thăm hồi gần đây tới Afghanistan, Thủ tướng Sharif đã tái khẳng định là hòa bình của nước ông gắn kết một cách chặt chẽ với một nước Afghanistan ổn định.
"Chúng tôi đã sát cánh với Afghanistan. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Afghanistan và chúng tôi không thiên về bên nào ở Afghanistan. Phe mà chúng tôi ngã về ở Afghanistan dĩ nhiên là nhân dân Afghanistan."
Giới hữu trách Pakistan e rằng tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan sau cuộc triệt thoái của các lực lượng Nato có thể làm cho những phần tử hiếu chiến ở Pakistan trở nên mạnh hơn, tạo ra một thách thức lớn hơn cho những nỗ lực chống khủng bố của Islamabad. Pakistan cũng e rằng xung đột và bất ổn có thể làm gia tăng số người Afghanistan chạy sang lánh nạn, gây thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đã suy yếu của Pakistan.
Đại tướng hồi hưu Athar Abbas của Pakistan cho biết cải thiện sự hợp tác trong lãnh vực an ninh là một việc vô cùng cần thiết cho sự ổn định của các mối quan hệ giữa Pakistan với Afghanistan.
"Nếu guồng máy an ninh và chính phủ Afghanistan, cùng với chính phủ và guồng mày an ninh của chúng ta không đồng lòng với nhau và không chịu ngồi lại với nhau để quyết định về cách thức đối phó với mối đe dọa khủng bố, mục tiêu hòa bình vẫn tiếp tục nằm xa tầm tay ở cả hai phía của biên giới."
Các nhà quan sát lâu nay vẫn cho rằng phần lớn sự mất tin tưởng và hiềm thù giữa Afghanistan và Pakistan phát xuất từ sự đối nghịch của cơ quan an ninh của hai nước. Sự mất tin tưởng này cũng ảnh hưởng tới các mối quan hệ của Hoa Kỳ và Ấn Độ với Pakistan. Trong lúc các binh sĩ tác chiến nước ngoài chuẩn bị rút khỏi Afghanistan vào cuối năm tới, Kabul và Islamabad cần phải tìm ra cách thức để hợp tác với nhau mới có thể ứng phó với những nhóm hiếu chiến mà cả hai nước đang ra sức loại trừ.