Mục tiêu chống đối của những người biểu tình là Thủ tướng Yingluck Shinawatra, là người hôm qua đã vượt qua một cách dễ dàng cuộc biểu quyết bất tín nhiệm ở quốc hội. Anh của bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng tiếp tục là một khối nam châm thu hút những vụ tranh cãi.
Nhiều người biểu tình tin rằng ông Thaksin vẫn tiếp tục điều hành công việc của chính phủ tuy nhà tỉ phú này đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh quân sự năm 2006. Hiện giờ ông đang sống lưu vong và có thể sẽ bị bỏ tù về tội tham nhũng nếu ông về nước.
Hôm nay, một nhóm người biểu tình đã xông vào khuôn viên Bộ Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Họ hô to khẩu hiệu “Chúng tôi muốn biết quân đội về phe nào.” Những người biểu tình không tìm cách tiến vào bên trong các tòa nhà và họ đã rời nơi này vài giờ sau đó.
Cho tới giờ này, quân đội không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ can thiệp. Từ khi thể chế quân chủ tuyệt đối ở Thái Lan kết thúc tới nay quân đội nước này đã thực hiện tổng cộng 18 vụ đảo chánh.
Ngày hôm nay, cựu Bộ trưởng tài chánh Korn Chatikavanji đã phát biểu trước Đại sứ quán Mỹ trong lúc người biểu tình trao cho sứ quán một lá thư nói rằng Thủ tướng Yingluck không có được sự chính đáng để lãnh đạo.
Ông Korn đứng trên một chiếc xe tải và dùng loa phóng thanh nói rằng những người biểu tình tới đây để nói cho người Mỹ biết họ đang làm gì và mọi người tụ họp ở đây đều tán thành nội dung của lá thư.
Bột Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc chiếm cứ các tòa nhà và khả năng xảy ra bạo động ở Bangkok “không phải là những phương tiện có thể chấp nhận được để giải quyết những sự khác biệt chính trị.”
Trong số hàng ngàn người biểu tình trước sứ quán Mỹ có ông Patthanapong Yamngarmlua, nhân viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ. Ông nói:
"Chúng tôi không ưa chính phủ này. Chúng tôi muốn họ ra khỏi nước này. và dĩ nhiên, kể cả gia đình của họ nữa."
Bà Yingluck đã lên nắm chức thủ tướng sau khi đảng Puea Thai của bà giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2011.
Người đứng đầu phong trào chống đối hiện nay là cựu phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban.
Ông muốn thành lập một “hội đồng nhân dân” để chọn thủ tướng mới và tăng cường quyền hạn của hoàng gia.
Một phụ nữ biểu tình tên Sivaporn, tán đồng những mục tiêu đó.
Bà Sivaporn nói rằng bà không biết là phong trào này có mang lại thay đổi hay không, nhưng mọi người ai nấy đều đang làm hết sức mình và đó là cách tốt nhất mà họ có thể làm.
Tuy những cuộc biểu tình hiện nay mang nhiều màu sắc của một lễ hội hơn là một cuộc cách mạng, một số người e rằng tình hình có thể thay đổi một cách rất nhanh chóng.