Hỏi đáp Y học: Bệnh Hắc Võng Mạc

PostFri Sep 06, 2013 9:38 am

VOA - Arts and Entertainment

Bác sĩ Hồ Văn Hiền



Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

 

Thính giả Trần Tuấn Anh, email đến câu hỏi như sau:

“Quý đài làm ơn cho hỏi về bệnh Hắc Võng Mạc. Tôi có người thân 35 tuổi, mới bị bệnh Hắc Võng Mạc, đang chữa không biết sẽ như thế nào? Xin quý đài làm ơn hỏi giúp Bác sĩ nhãn khoa xem cách chữa nào trị tốt nhất. Bệnh này có bị mù hay không, nếu không chữa được, cảm ơn ạ.”

Chúng tôi đã chuyển thư email này cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

 
Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch.

Central serous chorio-retiniopathy (CSC) or central serous retinopathy.

 
Sinh lý mắt: ánh sáng từ một vật ở ngoài chiếu vào mắt, lọt qua con ngươi (pupil), đi qua nhãn cầu (buồng dịch kính, vitreous body)  và chiếu trên một màn hình, gọi là võng mạc (retina), do những tế bào thị giác tạo nên. Những tế bào này được nuôi dưỡng bởi những mạch máu nằm sau nó (đem oxy, glucose và các chất dinh dưỡng cân thiết như omega 3). Các mạch máu này được sắp xếp trên một màng đen (màng mạch,choroid), màng đen này có tác dụng ngăn cản ánh sáng chung quanh, tạo nên một phòng tối trong lòng của tròng mắt, tương tự như phòng tối trong máy chụp hình.Võng mạc đóng vai trò tương tự như màn điện tử trong máy quay phim video, biến các xung lực ánh sáng thành những xung lực điện từ, nhờ dây thần kinh thị giác chuyền vào óc.

Trung tâm của võng mạc là điểm vàng (macula lutea, hoàng điểm), ở giữa có một hố lõm nhỏ (fovea). Nơi đây có nhiều tế bào thị giác tập trung nhất, và là nơi cho chúng ta nhìn màu sắc và chi tiết rõ nhất. Hết 50% các tế bào thị giác nằm trong vùng fovea. Do đó, nếu vùng này bị hư hại, thị giác của bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng ngay, khác với những bệnh mà các vùng ngoại biên của võng mạc bị tổn thương, lúc đó triệu chứng xuất hiện một cách chậm chạp, và bệnh nhân có thể không ý thức được.

Trong bệnh CSC, phần võng mạc trung tâm (ở điểm vàng) và các mạch máu sau đó (trong choroid) bị tổn thương do một cơ chế chưa được rõ rệt. Dịch từ các mạch máu rỉ vào lớp tế bào thị giác và làm cho lớp này tróc ra (detachment of neurosensory retina), và phình lên (như một bong bóng nước nổi lên ngoài da lúc bị phỏng).

Bệnh nhân nhìn mờ. Những vật ở trung tâm tầm nhìn (central vision) có thể bị méo mó, biến dạng, mờ đi, đường thẳng trở thành cong, vật xa có thể thấy như gần hơn và ngược lại, hoặc chỉ còn thấy một chấm, một vùng tối, mù (blind spot) ngay giữa thị trường của mình (visual field), gây trở ngại cho những hoạt động cần có thị giác, cần phải nhìn rõ như may vá, điều khiển máy móc, viết, đọc sách...cảm nhận màu sắc thay đổi.

Thường bệnh chỉ xảy ra một bên, ở người nam nhiều hơn (x10) nữ, và thường là người 30-60 tuổi.

Các yếu tố cơ nguy: người bị stress nhiều, bon chen, tính cạnh tranh cao (type A personality), đang dùng các thuốc corticoid (chống viêm như prednisone, dexamethasone) dù là chích, uống hay xịt vào mũi miệng để hít, dùng cà phê, huyết áp cao.

 
Bác sĩ định bệnh bằng cách cho con ngươi bệnh nhân nở to ra và khám võng mạc. Ngoài ra có thể chích thuốc fluorescein huỳnh quang vào tĩnh mạch, thuốc sẽ đi đến các mạch máu mắt và bs chụp hình các mạch máu có chứa fluorescein, những vùng bị tổn thương sẽ hiện rõ lên (fluorescein angiography, “chụp mạch huỳnh quang”). Bs có thể dùng máy hoạ đồ để vẽ ra bản đổ cắt ngang qua bề dày của võng mạc (OCT:Optical Coherence Tomography)

 
Chữa trị :

1) Thường cơn cấp tính CSC tự phục hồi không cần chữa trị trong vòng 1-2 tháng. Tuy nhiên, phẩm chất thị giác (như màu sắc, độ phân giải) có thể không được như trước, mặc dù thử mắt thì bác sĩ thấy tốt. Chừng 50% các trường hợp có thể bệnh trở lại, cho nên cần được bác sĩ mắt theo dõi thường xuyên.

2) Người ta nhận xét nếu triệu chứng kéo dài 4 tháng hoặc nhiều hơn, các tế bào thần kinh võng mạc bị teo (atrophy) không vãn hồi được. Cho nên sau 3 tháng nếu không khỏi, bác sĩ chuyên khoa mắt (chuyên về võng mạc) phải can thiệp:

-argon laser coagulotherapy (trị liệu làm đông bằng laser argon để bít các chỗ rò rỉ, “ quang đông”) kết quả có thể tốt hay không.

- ngưng các chất corticoid đang dùng

 

3) Các liệu pháp sau đây đang được khảo sát, lợi ích lâu dài chưa được khẳng định.

- transpupillary thermotherapy (TTT): dùng tia laser chuyên chở sức nóng để đốt các vết dò trên võng mạc

-PDT (photodynamic treatment) dùng verteporfin (verteporfin is a photosensitizer) có thể có nhữnng kết quả hứa hẹn.

(“Trong phép trị liệu quang động (photodynamic therapy) bệnh nhân đươc chích chất nhạy cảm ánh sáng verteporfin vào tĩnh mạch ở cánh tay. Thuốc này có khả năng nhận diện các mạch máu bất bình thường trong điểm vàng của mắt và bám dính vào các protein của những mạch máu này. Sau đó bác sĩ dùng tia laser chiếu vào trong mắt để kích thích thuốc này và do đó hủy diệt các mạch máu bất bình thường nói trên. Nhờ vậy sự rò rỉ máu hay chất lỏng từ các mạch máu sẽ ngưng và các mạch máu hết làm tổn thương điểm vàng của mắt’. [BBC])

Cũng như mọi khi, những điểm được bàn đến hôm nay hoàn toàn có tính cách thông tin va không được xem như tư vấn sức khoẻ cho cá nhân.

 

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

---------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

 

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

 

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1006 guests

cron