Các số liệu chính thức của cục thống kê cho thấy kinh tế tăng trưởng ở mức 7,8 phần trăm trong thời kỳ từ tháng 4 đến tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Thịnh Lai Nguyên, phát ngôn viên của Cục Thống Kê Quốc gia Trung Quốc nói tổng sản phẩm quốc dân GDP là 24,8 ngàn tỷ nguyên, tức là 4 ngàn tỷ đôla Mỹ, trong 6 tháng đầu năm, tăng 7,6 phần trăm so với một năm trước. GDP tăng 7,7 phần trăm trong quý đầu và 7,5 phần trăm trong quý hai.
Các chỉ số tăng trưởng khác như sản lượng nhà máy và đầu tư cũng giảm sút so với một năm trước.
Ông Thịnh Lai Nguyên nói các số liệu đều nằm trong khuôn khổ các chỉ tiêu kinh tế của nhà nước, nhưng nói thêm rằng các điều kiện kinh tế của Trung Quốc vẫn còn “phức tạp và có thể thay đổi.”
Tình trạng trì trệ liên tục diễn ra vào lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy các biện pháp nhằm tái quân bình nền kinh tế quốc gia, giảm thiểu việc lệ thuộc vào việc sản xuất để xuất khẩu và đầu tư của chính phủ vào các công nghiệp chính.
Ông Shaun Rein, giám đốc điều hành tại Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, nói rằng các số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc quá mức vào đầu tư trong các tích sản vật chất như địa ốc và hạ tầng cơ sở.
Theo ông Rein, đầu tư vào tích sản cố định tăng 20,1 phần trăm một năm, vẫn còn là quá cao, vì lẽ ra phải ở tầm từ 18 phần trăm đến 19 phần trăm.
Trong khi nền kinh tế chậm lại, Trung Quốc tìm cách tái quân bình công nghiệp
Ông Rein nói kinh tế cần phải dựa thêm vào mức chi của giới tiêu thụ, và các số liệu mới nhất cho thấy điều đó có thể xảy ra. Số bán hàng lẻ tăng 13,3 phần trăm trong nửa đầu năm 2013 – đó là dấu hiệu cho thấy giới tiêu dùng đang bắt đầu chiếm phần lớn hơn trong tăng trưởng GDP.
Ông Rein nói ta vẫn thấy có sự tin tưởng liên tục của giới tiêu thụ, nhưng đó không phải là một biến chuyển dễ dàng và sẽ có những khó khăn trong nền kinh tế trong thời gian sắp tới trong khi sự biến chuyển đó diễn ra.
Chính phủ Trung Quốc đã thực thị một loạt các chính sách ngăn chặn đầu cơ trong các khu vực như địa ốc, xây dựng và ngân hàng, thường chiếm phần lớn trong sự tăng trưởng kinh tế của đại cường Á châu này.
Ông Thịnh Lai Nguyên nói những biện pháp can thiệp đó sẽ tỏ ra là cấp thiết về lâu về dài.
Trong cuộc họp báo hôm nay, ông Thịnh nói: “Một số biện pháp, kể cả chiến dịch tăng cường siết chặt tài sản, các quy định mới nhằm ngăn chặn việc lạm dụng công quỹ và sự chấm dứt một số chính sách kích hoạt kinh tế trước đây, chắc chắn sẽ có một số tác động đối với sự tăng trường trong đoản kỳ, nhưng về lâu về dài, sẽ có lợi cho nền kinh tế của chúng ta.”
Các dấu hiệu trì trệ sắp tới
Trong một nhận định nghiên cứu công bố hôm nay, các nhà kinh tế của Trương Chí Vĩ và Wendy Chen thuộc Quỹ Nomura nói rằng tăng trưởng kinh tế vẫn còn đi đúng hướng để đạt được chỉ tiêu của chính phủ là 7,5 phần trăm cho năm 2013.
Nhưng các kinh tế gia đã duyệt lại và hạ thấp mức dự báo tăng trưởng GDP cho năm tới, từ 7.5 phần trăm đã dự báo trước xuống còn 6,9 phần trăm.
Ông Trương nói một sự sụt giảm lực lượng lao động, cũng như những trì hoãn trong các cải cách cơ chế là những yếu tố góp phần vào quyết định hạ thấp ước tính tăng trưởng cho năm 2014.
Trong một cú điện đàm hôm nay ông Trương giải thích rằng số dân chúng trong tuổi lao động đã sụt giảm trong năm 2012 - lần đầu tiên từ ít nhất 20 năm nay – và đây thực sự là điều rất đáng kể, bởi vì nó thay đổi mức cung ứng lao động và thu hẹp thị trường lao động nhiều hơn so với trước và nâng cao mức tăng trưởng về lương bổng, gây thiệt hại một cách tương đối cho Trung Quốc nhất là trong khu vực xuất khẩu.
Ðồng thời, theo ông Trương, các nhà lập chính sách đã bỏ qua sự phát triển của các công ty tư nhân.
Ông nói trong 5 năm vừa qua, chính phủ tìm cách khuyến khích đầu tư tư nhân và nới lỏng các độc quyền trong các khu vực được bảo vệ, nhưng có rất ít biện pháp để thực hiện các đường hướng đó.
Trong mấy tháng gần đây, các giới chức cấp cao trong chính phủ đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đạt được một sự phát triển quân bình hơn, và nâng cấp chất lượng và hiệu năng của các công nghiệp Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ nói nền kinh tế đất nước có thể tăng trưởng ít hơn so với chỉ tiêu của chính phủ trong năm 2013. Ông cũng nói thêm rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể phải chịu đựng mức tăng trưởng sụt xuống tới 6,5 phần trăm.