Ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natalegawa, tuyên bố Miến Ðiện phải tiếp tục xúc tiến các cải cách dân chủ và thừa nhận quyền hợp pháp của hàng trăm ngàn nguời Hồi giáo Rohingya không có tổ quốc.
Miến Ðiện, còn được gọi là Myanmar, đã bị tan tác vì tình trạng đổ máu giữa các phe phái trong năm vừa qua khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người thất tán. Giao tranh bắt đầu trong các cộng đồng với số đông người sắc tộc Rohingya, bị từ chối không được hưởng quyền công dân ở Miến Ðiện.
Phát biểu với các phóng viên ở Bangkok hôm nay, ông Natalegawa nói Indonesia đang “khuyến khích” Miến Ðiện thừa nhận quy chế hợp pháp cho người Rohingya như một bước sơ khởi để xoa dịu các căng thẳng.
“Có vấn đề về quy chế, vừa mang tính chính trị vừa mang tính cách pháp lý, mà chúng tôi đang khuyến khích chính phủ Myanmar giải quyết một cách cơ bản để người Rohingya có thể có được loại quy chế và các quyền pháp lý tương tự và song song với phần còn lại của đồng bào trong nước.”
Nhà chức trách Miến Ðiện lâu nay vẫn loại người Rohingya ra khỏi các nhóm sắc tộc được thừa nhận là công dân Miến Ðiện, và nói rằng họ vẫn từng là các di dân bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.
Ông Natalegawa nói có một “cảm tưởng thiếu tin cậy lớn” nằm giữa khối đa số Phật giáo và khối thiểu số Hồi giáo ở Miến Ðiện do hậu quả của vụ đổ máu phe phái. Ông nói Indonesia đã phải trải qua những thời kỳ bạo động tương tự kể từ cuối thập niên 1990 trên con đường tiến tới dân chủ hóa.
Ông Natalegawa nói Indonesia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với giới hữu trách Miến Ðiện trong việc xây dựng lại các cộng đồng.
“Vì thế chúng tôi biết có một vấn đề phải được giải quyết nhưng tôi tin rằng đây là một phần và toàn bộ trong các nỗ lực dân chủ hóa của Myanmar. Nó không thể được xử lý một cách đơn độc vì thế chúng ta phải phải nhấn mạnh với chính phủ Myanmar, như chúng tôi đã làm, rằng để có thể chuyển biến một cách dân chủ thì đồng thời, chứ không phải theo thứ tự, họ cũng phải giải quyết vấn đề căng thẳng trong cộng đồng và các xung đột song hành.”
Hàng ngàn người Rohingya đã bỏ trốn bằng tầu thuyền trên các cuộc hành trình nguy hiểm, với một con số không rõ là bao nhiêu người đã bỏ mình ngoài biển, trong khi đi tìm nơi tỵ nạn ở nước ngoài.
Indonesia đang dự định triệu tập một hội nghị khu vực quan trọng trong năm nay để chống lại bọn buôn nguời và giảm thiểu làn sóng thuyền nhân đổ vào khu vực.