Công ty Kmart có khoảng 170 cửa tiệm bán quần áo giá rẻ và các loại hàng hóa khác ở Australia và mười mấy cửa tiệm ở New Zealand. Công ty này độc lập với một công ty có cùng tên ở Mỹ.
Kmart đã phát triển những mối quan hệ chặt chẽ với các công ty dệt may ở Bangladesh chuyên sản xuất các loại quần áo và những sản phẩm khác cho cửa tiệm của họ. Tuy không mua quần áo từ các công xưởng tại tòa nhà 8 tầng bị sập hồi tháng tư ở ngoại ô thủ đô Dhaka, công ty Kmart đã bị áp lực từ các tổ chức nhân quyền và những tổ chức bảo vệ người tiêu thụ đòi họ cắt đứt quan hệ với những thương gia bất lương, những người đặt công nhân vào tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Giám đốc điều hành công ty Kmart Australia, ông Guy Russo, cho biết công ty ông sẽ không rời bỏ Bangladesh, nhưng sau vụ sập tòa nhà Rana Plaza, công ty ông nhất quyết không chấp nhận tình trạng có những tòa nhà hoặc những cách thức làm việc không an toàn.
Ông Russo nói: "Tôi xin nói thật là điều mà chúng tôi không kiểm tra trong các hoạt động kiểm toán của chúng tôi là vấn đề an toàn của tòa nhà. Tôi muốn nói là chúng tôi đã thực hiện tất cả những cuộc kiểm tra an toàn khác liên quan tới việc tuyển dụng lao động. Chúng tôi không làm ăn với những ai tính tới việc bóc lột lao động hoặc sử dụng công nhân chưa đủ tuổi. Nhưng có một điều mà chúng tôi đã không làm là kiểm tra tòa nhà. Và sau khi tòa nhà này bị sập, nó làm cho chúng tôi xúc động giống như mọi người ở Australia đã nhìn thấy thảm họa kinh hoàng này. Và xin thú thật với ông là toán nhân viên của chúng tôi đã không kiểm tra các tòa nhà."
Các công nhân Bangladesh được thuê để sản xuất quần áo cho các công ty khác ở các nước phương Tây thường xuyên than phiền về nạn làm việc quá nhiều giờ, lương thấp và bị đe dọa nếu các đơn đặt hàng không được hoàn tất đúng hạn.
Một số những người làm chủ các công ty ở Bangladesh than phiền là các công ty bán lẻ ở nước ngoài đã mặc cả quá độ về giá cả, làm cho lợi nhuận của họ quá thấp, nên họ không có đủ khả năng tài chánh để bảo đảm cho sự an toàn của các công xưởng.
Tuy nhiên, tin tức báo chí cho biết một số nhà sản xuất đã làm ngơ trước những khuyến nghị, muốn họ đóng cửa những xưởng may thiếu an toàn có thể gây nguy hại cho tính mạng của hàng ngàn người lao động.
Tháng trước, tổ chức từ thiện Oxfam hối thúc các công ty bán quần áo ở Australia ký kết một thỏa thuận quốc tế để bảo đảm các điều kiện an toàn cho công nhân ngành dệt may ở Bangladesh.