Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói rằng ông Kerry và ông Davutoglu đã taäp trung bàn về những phương thức nhằm gia tăng sức mạnh của phe chống đối Tổng thống Bashar al-Assad và gia tăng viện trợ nhân đạo cho thường dân bị thất tán vì chiến tranh. Hai nhà ngoại giao bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công của các lực lượng trung thành với ông Assad nhắm vào thường dân ở thành phố Homs và về điều mà một giới chức Hoa Kỳ gọi là “tình trạng bạo động tiếp diễn và sự can thiệp gây bất ổn của nhóm Hezbollah tại Syria.”
Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh ở tuyến đầu trong số các nước ủng hộ cho phe nổi dậy, nhất là các nước như Hoa Kỳ - quốc gia nay cho biết sẽ giúp vũ trang cho các phe đối lập với chính phủ Assad.
Trong khi đó Nga đang vũ trang cho các lực lượng của ông Assad và cảnh báo rằng những nước nào cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy sẽ gánh chịu những mối rủi ro là những vũ khí đó có thể rơi vào tay những phần tử khủng bố. Mặc dù ủng hộ cho hai phe đối nghịch nhau trong cuộc xung đột này, hai ông Kerry và Lavrov tiếp tục mưu tìm giải pháp đối thoại để chuyển giao quyền hành nhằm chấp dứt cuộc nội chiến Syria.
Đó chính là trọng tâm của cuộc họp của ba nhà ngoại giao này tại Brunei. Nhưng trước khi cuộc họp diễn ra, các phóng viên muốn biết về tình hình của cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ Edward Snowden, người đang ở khu chuyển quá cảnh của một phi trường ở Moscow sau khi tiết lộ chi tiết của một chương trình theo dõi bí mật của Hoa Kỳ.
Các phóng viên hô lớn câu hỏi: “Nga có cho Edward Snowden tị nạn hay không?”
Và Ngoại trưởng Nga Lavrov đáp lại rằng: “Xin làm ơn đừng la lớn với tôi.”
Còn Ngoại trưởng Kerry thì nói rằng: “Chúng tôi sẽ có dịp để thảo luận về nhiều vấn đề.”
Ông Kerry cho biết ông và ông Lavrov có chung quan điểm là không thể có một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Syria.
Ngoại trưởng Kerry đã bắt đầu chuyến công du của ông cách đây 12 ngày, và đã họp tại Doha với các bên ủng hộ phe đối lập Syria. Tại hội nghị đó, tất cả các nước đã đồng ý gia tăng sự hỗ trợ dành cho phe chống đối và có 9 nước đồng ý cung cấp vũ khí.