Trong các cuộc đàm phán tuần này, các đại biểu của Việt Nam và Kampuchea phản đối cách thức Lào thực hiện tiến trình tham vấn trước khi khởi công xây dựng đập Xayaburi – là đập đầu tiên ngăn nhánh chính của con sông Mekong.
Các giới chức của hai nước vừa kể không đưa ra bình luận chính thức, nhưng những người khác dự đàm phán nói rằng Việt Nam đã yêu cầu đình chỉ trong thời gian 10 năm các quyết định xây đập trên dòng chính, và nói rằng giới hữu trách chưa nghiên cứu đầy đủ về tác động của các đập này đối với dân chúng ở hạ nguồn sông.
Công trình xây dựng đập Xayaburi đã được chính thức loan báo vào tháng 11 năm ngoái, hơn 1 năm sau khi công tác thực tế bắt đầu – mà không được sự đồng thuận của các nước thành viên, vi phạm thỏa thuận năm 1995 về sông Mekong.
Ông Pianporn Deetes, phối hợp viên vận động tại Thái Lan của tổ chức Các dòng sông Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ theo dõi sông Mekong, nhận định:
“Các mối quan ngại của các nước thành viên chưa được giải quyết đầy đủ. Ðiều quan trọng nữa là phải thừa nhận sự quan ngại nêu ra bởi các cộng đồng bị tác động đại diện cho 60 triệu người ở tất cả 4 nước. Không phải chỉ là nguồn sống của một số ít người mà là 60 triệu người và chúng tôi hoan nghênh Kampuchea và Việt Nam đã tôn trọng nghĩa vụ của họ trong Hiệp ước Mekong năm 1995.”
Mặc dầu chính phủ Lào có các kế hoạch vĩ đại để trở thành “bình điện” của châu Á, và điện năng do đập thủy điện với tổn phí 3 tỷ rưỡi đôla sẽ có nghĩa là một thu nhập quan trọng cho một nền kinh tế với mức GDP chừng 8 tỷ đôla, các nhà hoạt động cho môi trường lo ngại rằng dự án này có thể đe dọa đến đời sống và sinh kế của các cộng đồng ở hạ nguồn sông.
Tổ chức Các Dòng sông Quốc tế ước tính trên 70% lượng protein mà người Kampuchea tiêu thụ bắt nguồn từ sông Mekong.
Cựu dân biểu Quốc hội Thái Kraisak Choonhavan tin rằng trách nhiệm về việc vội vàng xây cất thuộc về các công ty Thái đã quyết định coi thường tác động của việc họ đầu tư vào dự án. Ông nói:
“Dự án Xayaburi được tài trợ hoàn toàn bởi người Thái và các ngân hàng Thái cũng như các tập đoàn công ty xây dựng Thái. Sự kiện này đang đưa Lào đến bờ vực tai họa xã hội. Hàng chục ngàn người đã bị dời cư mà không có ai đại diện để tranh đấu.”
Mặc dù nhu cầu điện của Thái Lan và các lợi ích kinh tế của con đập là điều không chối cãi được, các nhà hoạt động tin rằng đình chỉ dự án vẫn chưa phải là quá muộn.
Ông Mark Goichot, làm việc cho Quỹ Dã Sinh Thế giới về các dự án thủy điện bền vững ở Lào, nói rằng chính phủ Lào có thể không nhận thức đầy đủ tác động mà con đập này sẽ có đối với hệ sinh thái của họ và các lân quốc, nhưng các chính phủ Việt Nam và Kampuchea đã đưa ra các yêu sách không thể phủ nhận được. Ông cho biết:
“Vâng trên nguyên tắc sẽ khó mà không theo đề nghị mãnh liệt này. Ðề nghị này sẽ xúc tiến trừ phi các cuộc khảo cứu cho thấy tác động không đáng kể. Chúng tôi không cho rằng đình chỉ dự án là quá muộn. Các mối quan ngại ngày càng tăng và sự chống đối dự án vẫn rất mạnh, do đó ngày càng khó biện minh cho dự án.”
Hôm thứ Sáu, các tổ chức cấp viện và các nước thành viên của ủy ban đã đi thăm địa điểm công trình đập Xayaburi để thanh sát tiến độ. Trước đây, Ủy ban sông Mekong đã bị chỉ trích là thiếu phương tiện hoặc khả năng buộc chính phủ Lào tôn trọng các đề nghị của tổ chức này.