Chủ tịch Liên đoàn Ký giả Ai Cập, ông Sameh Ashour, nói với các phóng viên báo chí hôm Chủ nhật rằng các nhà lãnh đạo của Mặt trận Cứu quốc quyết định sẽ không tham gia cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp theo dự trù sẽ diễn ra vào thứ bảy tuần này.
Ông Ashour nói rằng Mặt trận Cứu quốc dứt khoát từ chối tham gia cuộc trưng cầu dân ý ngày 15 tháng 12 và sẽ không ủng hộ cuộc đầu phiếu vốn chắc chắn sẽ dẫn đến chia rẽ sâu sắc hơn và sẽ có thêm xung đột trong công chúng.
Ông Ashour tiếp theo đó đã chỉ trích Tổng thống Morsi và đảng Huynh đệ Hồi giáo về quyết định tiếp tục tiến hành cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp.
Ông Ashour nói rằng Mặt trận Cứu quốc nhấn mạnh rằng các hành động mà ông gọi đàn áp, chuyên quyền và cướp chính phủ của Tổng thống Morsi và nhóm Huynh đệ Hồi giáo, đang góp phần gây ra những khốn đốn về kinh tế cho mọi người dân Ai Cập.
Trước đó trong ngày Chủ nhật, phản lực cơ của Không quân Ai Cập đã bay ở độ cao thấp trên bầu trời trung tâm thủ đô Cairo, trong khi cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước vẫn không hề giảm sút. Mấy trăm người biểu tình chống Tổng thống Morsi đã tập trung ở Quảng trường Tahrir và gần dinh tổng thống.
Những lời hô hào của phe đối lập đề nghị tổ chức một cuộc biều tình tuần hành đến dinh tổng thống dường như không thu hút được một số lượng lớn người tham gia hôm Chủ nhật. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đối lập lại kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình một triệu người vào thứ ba này.
Hôm thứ bảy tuần trước, Tổng thống Morsi đã có một hành động mà các nhà lãnh đạo đối lập gọi một sự nhượng bộ “giả tạo,” khi ông đồng ý rút lại một phần sắc lệnh gây tranh cãi trao cho ông nhiều quyền lực.
Ông Mohamed ElBaradei, người đứng đầu Mặt trận Cứu quốc, vẫn tiếp tục lên án dự thảo hiến pháp mới mà ông cho là “cản trở các quyền và sự tự do của người dân” và sẽ “bị phá bỏ ngay ngày hôm nay, trước khi quá muộn.”
Nhà phân tích Omar Ashour, giáo sư môn khoa học chính trị tại Ðại học Exeter ở Anh quốc, nói rằng quyết định của ông Morsi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý là khôn ngoan, vì việc làm đó sẽ đưa cuộc tranh chấp đến trực tiếp cho người dân.
Ông Ashour nói: "Rất là khôn ngoan khi đưa vấn đề đó trực tiếp vào tay người dân, để đánh đi một tín hiệu rằng phe đối lập không đại diện cho toàn dân Ai Cập, và tổng thống cũng không đại diện cho tòan dân Ai Cập. Ai phản đối cuộc trưng cầu dân ý sẽ là phi-dân chủ, sẽ là người không muốn chơi theo luật dân chủ, mà chỉ muốn áp đặt ý định của mình lên toàn dân Ai Cập."
Trong khi đó, Ðảng Tự do và Công lý của nhóm Huynh đệ Hồi giáo đã bắt đầu đẩy mạnh vận động chấp thuận cho bản hiến pháp trong cuộc trưng cầu dân ý vào thứ bảy này, và họ đã đăng phiên bản bằng âm thanh của dự thảo hiến pháp lên trang web của đảng này.
Tuy nhiên, bên tư pháp của Ai Cập, bên cần phải giám sát cuộc đầu phiếu, hình như vẫn tỏ ra chống đối cuộc trưng cầu dân ý. Ðài truyền hình Al Arabiya đưa tin rằng chỉ có 300 trong tổng số 4.000 thẩm phán đồng ý tham gia cuộc trưng cầu.