Luật sư Dương Hà cho VOA Việt ngữ biết:
“Ngày 10/10/12 tôi gửi Kiến nghị Giải thích Pháp luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Luật pháp của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tôi yêu cầu những người viết ra luật này giải thích thế nào là hành vi ‘chống nhà nước’, ‘tuyên truyền’, ‘phỉ báng chính quyền’, ‘luận điệu chiến tranh tâm lý’, ‘phao tin bịa đặt’. Họ phải giải thích rõ ràng ra. Còn bây giờ cứ nói chung chung. Chẳng hạn như nói ‘làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu văn hóa phẩm có nội dung chống nhà nước’ thì cái gì quy định rằng nội dung ấy là ‘chống nhà nước’. Thế nào là bảo vệ nhà nước? Thế nào là chống nhà nước? Chúng tôi muốn biết rõ ràng để tất cả người dân khi đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bản thân, nhân dân, và xã hội họ biết rằng ranh giới ấy là đúng hay chưa đúng. Chứ bây giờ cứ nói chung chung rồi khi cảm thấy không hài lòng thì bắt người ta và quy cho người ta, nếu sự việc cứ không rõ ràng như thế này thì rất là khổ cho dân. Rất mong muốn được họ trả lời. Việc chúng tôi cần làm thì chúng tôi phải làm và chúng tôi làm tới bao giờ thành công thì thôi. Đấy là trách nhiệm của một người công dân.”
Tháng 7 năm ngoái, một luật sư từng bảo vệ cho các nhà bất đồng chính kiến tại các phiên xử về điều 88 trong đó có tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và blogger Điếu Cày, đã gửi đơn kiến nghị tương tự lên Quốc hội Việt Nam để nghị làm rõ điều luật này. Tuy nhiên, luật sư Hà Huy Sơn cho hay tới nay, kiến nghị thư của ông không nhận được một hồi đáp nào từ chính quyền.
Luật sư Sơn nói:
“Đơn kiến nghị tôi có nêu lên là điều 88 không rõ ràng, cụ thể nên việc thực hiện, áp dụng vào thực tế thì khó khách quan và dễ bị lạm dụng. Với chức năng nghề nghiệp, tôi thấy vướng mắc ở đâu, trong điều kiện pháp luật cho phép thì tôi thực hiện quyền của mình. Còn hy vọng có sự thay đổi thì không thể là thay đổi ngay được. Điều đó còn phụ thuộc vào thái độ và sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề mà tôi nêu lên.”
Thực tế tại Việt Nam cho thấy các đơn khiếu nại, thỉnh nguyện, và kiến nghị thư của công dân ít có hy vọng được chính quyền hồi đáp, nhưng luật sư Dương Hà nhấn mạnh rằng:
“Căn cứ khoản 3, điều 7 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật, và pháp lệnh. Họ ăn lương nhà nước để làm việc này. Nghĩa vụ của họ là phải làm. Còn họ không làm thì họ phải chịu trách nhiệm với nhà nước, với nhân dân.”
Giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới nhiều lần tố cáo điều 88 trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân và chỉ trích rằng Hà Nội lạm dụng điều luật này để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng với nhà nước.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người tại Việt Nam bị kết tội vi phạm điều 88 và các bản án tù cũng ngày một nặng tay hơn. Bản án mới nhất 26 năm tù dành cho ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ đang dấy lên làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong công luận cả trong lẫn ngoài nước.