Nhật Bản có dân số già nhất thế giới: 30 phần trăm dân Nhật là các công dân cao niên. Phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc nói rằng vào giữa thế kỷ này, 64 quốc gia sẽ đạt tới mức đó.
Người đứng đầu Cơ quan Dân số và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông Jose Miguel Guzman, ca ngợi tình trạng tuổi thọ được gia tăng như là một trong những thành tích lớn nhất của nhân loại.
Tác giả của phúc trình liên hệ tình trạng sống lâu với điều kiện dinh dưỡng, vệ sinh được cải thiện, ngành y khoa tân tiến, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, điều kiện giáo dục và phát triển kinh tế khá hơn.
Nhưng ông Guzman cũng nói với các nhà báo rằng trường thọ cũng gây ra những khó khăn khác.
“Số người cao niên đông cũng có nghĩa là có sự gia tăng nhu cầu về an ninh thu nhập, chăm sóc sức khỏe dài hạn, tạo ra những khó khăn về kinh tế-xã hội khổng lồ cần phải được giải quyết với các biện pháp chính trị mạnh và các chính sách xã hội thích đáng.”
Phúc trình nói dân số đang già thêm tại tất cả các vùng trên thế giới. Dân số người già gia tăng nhanh nhất tại các nước đang phát triển, giờ đây sống trung bình 68 năm và hy vọng sẽ sống tới 74 tuổi vào năm 2050. Tuổi thọ trung bình tại các nước phát triển là 78 tuổi, nơi những trẻ mới sinh hôm nay có hy vọng sống tới 83 tuổi.
Ông Richard Blewett là giám đốc điều hành của HelpAge International, một tổ chức phi chính phủ giúp người già hợp tác soạn phúc trình Liên Hiệp Quốc. Ông nói:
“Công dân cao niên tại nhiều quốc gia không được coi là tài sản kinh tế. Các chính phủ không thật sự đáp ứng được kỳ vọng của công dân cao niên nước họ và cần phải làm tốt hơn. Điều cần ở đây là viễn kiến dài hạn, ý chí chính trị mạnh, và ý thức rõ ràng về các ưu tiên.”
67 phần trăm những người cao niên được hỏi ý kiến cho phúc trình này nói khó khăn lớn nhất của họ là sự phân biệt đối xử trong việc làm.
Nhưng một số quốc gia đang bắt đầu nhận thức được những lợi ích của tuổi già. Nam Phi đưa ra một chương trình hưu bổng xã hội và Brazil đã thông qua đạo luật nhân quyền của công dân cao niên. Tại Trung Quốc, các bậc ông bà tại thôn quê ngày càng có nhiều người phải chăm sóc các cháu khi cha mẹ chúng ra các thành phố để kiếm tiền.
Cần có thêm nhiều biện pháp ý nghĩa hơn, ví dụ như cải tổ các hệ thống an sinh xã hội tại những nước phát triển để phù hợp số dân cao niên đông hơn, và tạo ra các mạng lưới an toàn xã hội tại những quốc gia đang phát triển, nơi các hệ thống truyền thống giúp đỡ gia đình đang xuống cấp.
Phúc trình nói vấn đề nhân đạo nhất và có lợi nhất mà một xã hội có thể làm cho các công dân cao niên là đầu tư vào chuyện bảo vệ sức khỏe cho thành phần này để họ duy trì được khả năng hoạt động.