Trong mấy ngày gần đây, các hãng tin tài chính quốc tế đều nhắc tới Việt Nam như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu bấp bênh do sự leo thang trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Nào là kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN, thậm chí sắp sửa ‘qua mặt’ Singapore, hầu hết đều cho rằng Việt Nam đã được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại đang tiếp diễn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhưng hôm 30/5 Ngoại Trưởng kiêm Phó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Bình Minh khuyến cáo rằng Việt Nam ‘sẽ không tránh khỏi tác động của thương chiến Mỹ-Trung’.
Nikkei Asian Review trích lời ông Phạm Bình Minh, thừa nhận những lợi ích ‘ngắn hạn’ của thương chiến Mỹ-Trung, nhưng ông nói xung đột kéo dài sẽ có những hậu quả đối với kinh tế Việt Nam.
“Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại” do tính cách mở của nền kinh tế Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói tại hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 ở Tokyo, Nhật Bản, do tập đoàn Nikkei tổ chức.
“Có người cho rằng VN được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Điều đó đúng tới một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.”
Ông Phạm Bình Minh nói GDP của Việt Nam lệ thuộc nặng nề vào hàng xuất khẩu, khiến cho Việt Nam trở nên nhạy cảm ngay cả với những thay đổi nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam, về cả mặt công nghệ và giá trị thương mại. Ông Phạm Bình Minh nói Việt Nam đang theo sát tình hình và “sẽ thực thi bất cứ biện pháp cần thiết nào để thích ứng”.
Để chống lại chủ nghĩa bảo hộ, Phó Thủ Tướng Việt Nam hối thúc việc đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), môt hiệp định thương mại tự do bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 nước Đông Nam Á.
Nikkei Review trích lời ông Phạm Bình Minh nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí này sau bài phát biểu của ông tại hội nghị:
“Có người cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Điều đó đúng tới một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.”
Vẫn theo Nikkei, ông Minh khuyến cáo rằng “nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài, thì khâu sản xuất của chúng tôi sẽ bị tác động”. Theo ông, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các bộ phận và nguyên liệu, ngoài những tác động do sự giảm sút trong mức cầu trên toàn cầu.
Trong khi Việt Nam đang thu hút thêm đầu tư, ông Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, và sẽ thận trọng trong việc tuyển chọn những đầu tư có phẩm chất. Ông nói Việt Nam sẽ đề cao cảnh giác chống lại những giao dịch chỉ nhằm chuyển hàng hóa qua Việt Nam với mục đích tránh các rào cản thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn của thế giới.
Ông Phạm Bình Minh nói cho tới nay, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, tới gần 7%, trong quý 1. Ông bày tỏ tin tưởng là Việt Nam sẽ duy trì được đà tăng trưởng đó trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của Nikkei về quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Phó Thủ Tướng Việt Nam nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các quan hệ hữu nghị, và đa dạng các quan hệ đối ngoại, đồng thời duy trì các quan hệ thực tiễn với nước láng giềng Trung Quốc của chúng tôi.”