Sau 3 năm từ khi mất, ‘Cụ rùa Hồ Gươm’ – một biểu tượng tâm linh của thành phố Hà Nội – đã được đưa ra trưng bày tại Đền Ngọc Sơn, cách không xa ‘Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh’, nơi thi hài của ông Hồ Chí Minh được nhiều người đến viếng hàng ngày.
Theo truyền thông trong nước, mẫu vật ‘Cụ’ rùa – được cho là cá thể rùa cuối cùng ở hồ Hoàn Kiếm được tìm thấy chết ngày 19/1/2016 – bắt đầu được trưng bày tại di tích trên hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội từ ngày 16/3.
‘Cụ’ rùa được bảo quản theo phương pháp nhựa hóa của Đức và việc chế tác mẫu rùa được thực hiện trong thời gian hơn 2 năm, theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
An ninh Thủ đô trích nguồn tin của sở KHCN cho biết đây là ‘phương pháp chế tác hiện đại nhất thế giới’. Phương pháp này “bảo quản mẫu vật tiên tiến với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình hài, màu sắc, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai.”
Báo New York Times nhận định như vậy, ‘Cụ’ rùa đã được đưa vào nhóm những ‘nhân vật’ ưu việt được ướp và trưng bày trong các thể chế Cộng sản, trong đó có Lenin, Mao, Kim Il-sung và Kim Jong-il của Triều Tiên, và Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Trao đổi với Đài VOA, nhà rùa học Hà Đình Đức cho biết ‘Cụ rùa’ được ngâm trong một loại hóa chất “để nó ngấm vào các mô và tế bào và biến chúng thành nhựa.” Với phương pháp mà PSG-TS Đức cho biết là mới được áp dụng từ những năm 1990, ‘Cụ rùa’ sẽ được bảo quản “bền lâu và ít bị tác động bởi điều kiện khí hậu ẩm ướt và nồm như ở Việt Nam."
Phương pháp nhựa hóa được một chuyên gia giải phẫu người Đức phát triển vào cuối những năm 1970.
Tiến sĩ Đức cho biết trước khi có công nghệ nhựa hóa, phương pháp ướp truyền thống – là phương pháp được dùng để bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngâm thi thể trong hóa chất, trong đó có phoóc-môn (formaldehyde).
“Cụ Hồ sau một thời gian phải xử lý hóa chất lại rồi đưa lên (trưng bày) còn tiêu bản của ‘Cụ’ rùa thì trưng bày trường kỳ luôn,” theo PGS-TS Đức.
Theo bản tin Reuters, sau khi qua đời năm 1969, ông Hồ Chí Minh đã được ướp xác theo công nghệ của Liên Xô. Hàng năm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội đóng cửa khoảng 2 tháng để các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi hài ông.
Trong khi “ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập, và thậm chí cho chủ nghĩa dân tộc mới,” theo nhận định của giáo sư môn nhân loại học của Đại học California phân viện Berkeley, Alexei Yurchak, thì ‘Cụ’ Rùa, theo truyền thông trong nước, được người Hà Nội coi là một biểu tượng của độc lập và trường tồn của dân tộc.
Theo truyền thuyết, ‘Cụ rùa’ cho vua Lê mượn kiếm để đánh tan giặc phương Bắc. Cái chết của ‘Cụ’ rùa vào năm 2016, diễn ra trong thời gian đang có tranh luận trên khắp nước về làm thế nào để Việt Nam ‘thoát Trung’ – độc lập về chính trị và kinh tế với Trung Quốc, đã làm dấy lên một nỗi buồn lớn trong công chúng lúc đó. Theo báo New York Times, một số người xem cái chết của Cụ Rùa “là một điềm gở cho đất nước và Đảng Cộng sản” đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ.
‘Cụ’ rùa đang được đặt trong lồng kính tại đền Ngọc Sơn, trên Hồ Hoàn Kiếm, cách không xa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi mà lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un đã tới thăm hôm 2/3 sau cuộc gặp thượng đỉnh không thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội.