Các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đã bắt giữ nhiều phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo có liên can trong vụ đánh bom tự sát hồi tháng 1 ở Syria, làm 4 người Mỹ thiệt mạng. Theo các giới chức Mỹ thì diễn tiến này sẽ cung cấp nhiều manh mối cụ thể để Washington theo đuổi trong cuộc điều tra về vụ tấn công gây nhiều thương vong nhất đối với binh sĩ Mỹ cho tới lúc này.
Vụ đánh bom tại Manbij đã giết chết Cảnh sát trưởng quân đội Jonathan Farmer, 37 tuổi, kỹ thuật viên mật mã Shannon Kent của lự hải quân, 35 tuổi, Scott Wirtz, một nhân viên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng, và Ghadir Taher, một công dân nhập tịch Mỹ phục vụ trong tư cách thông dịch viên dân sự làm việc với một nhà thầu quân sự.
Một giới chức nói với Reuters rằng số người bị bắt giữ ít hơn 10 người. Một giới chức khác cho biết có nhiều “vụ bắt giữ ban đầu” trong tháng Hai năm nay, giới chức này không cho biết con số cụ thể, và tin tức về những vụ bắt giữ cũng được giữ kín cho tới nay.
Những người bị giam giữ ban đầu đã cung cấp một số manh mối và cơ hội mà chúng tôi đang tiếp tục khai thác,” giới chức thứ hai nói với điều kiện giấu tên và từ chối cung cấp thêm chi tiết.
Vẫn theo nguồn tin này thì cuộc điều tra đang được tiến hành, cũng như những nỗ lực nhằm đưa tất cả những kẻ khủng bố đó ra trước công lý.
Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất nhắm vào người Mỹ ở Syria kể từ khi Hoa Kỳ triển khai lực lượng trên bộ tại đây vào năm 2015.
Vụ tấn công diễn ra tại một quán cà phê ở Manbij, một thị trấn nằm dưới sự kiểm soát của một lực lượng dân quân liên minh với các lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.
Vụ đánh bom xảy ra gần một tháng sau khi Tổng thống Donald Trump gây hoang mang cho ban an ninh quốc gia của ông và các đồng minh khi ông bất ngờ ra quyết định hôm 19/12/2018, sẽ rút toàn bộ 2.000 binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria, đồng thời tuyên bố Nhà nước Hồi giáo tại đó đã bị đánh bại.
Những người chỉ trích cho rằng các vụ giết chóc tại Manbij là bằng chứng rõ ràng cho thấy Nhà nước Hồi giáo vẫn là một mối đe dọa.
Tháng 2 năm nay, ông Trump rút lại quyết định đó khi ông đồng ý để lại một sự hiện diện nhỏ của Hoa Kỳ hầu giúp duy trì áp lực đối với Nhà nước Hồi giáo trong thời gian quân đội Mỹ cho là thiết yếu để ổn định tình hình tại Syria.
Mỹ đang vận động những sự đóng góp của các đồng minh trong đó có Anh và Pháp, để duy trì sự hiện diện tại Syria.
Quân đội Mỹ trước đó cảnh báo rằng có thể vẫn còn hàng chục nghìn quân trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo trải dải khắp Iraq và Syria, với đủ người cầm đầu và nguồn lực để đặt ra một mối đe dọa nguy hiểm trong những tháng sắp tới.
Cơ quan theo dõi trong Lầu Năm Góc đã ra một báo cáo vào tháng trước, nói rằng Nhà nước Hồi giáo vẫn là một nhóm nổi dậy năng động và nhóm này đang hồi phục các hoạt động và khả năng chiến đấu nhanh chóng hơn ở Iraq, so với ở Syria.
Một báo cáo khác của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng Nhà nước Hồi giáo đã biến đổi thành một mạng lưới ngầm, nhưng vẫn là một hiểm họa với hàng nghìn chiến binh và một hệ thống chỉ huy tập trung, có nguồn tài chính lên tới 300 triệu USD, sẵn sàng để được sử dụng.
Báo cáo này cho biết Nhà Nước Hồi giáo muốn thực hiện các cuộc tấn công vào ngành hàng không, và sử dụng các vật liệu hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân. Vẫn theo tài liệu này, Nhà nước Hồi giáo có đến 18.000 chiến binh ở cả Iraq và Syria, trong đó tới 3.000 người là chiến binh từ nước ngoài.