Chính trị ngoạn mục của Úc

PostTue Sep 25, 2018 8:43 am

VOA - Arts and Entertainment


Ở nhiều quốc gia, nhiệm kỳ lãnh đạo chính quyền thường là bốn năm, có nơi cũng có năm, sáu hoặc bảy năm. Với Úc, nó chỉ là ba năm. Mà không phải ba năm đầy. Thủ tướng cầm quyền có thể kêu gọi bầu cử lại bất cứ lúc nào, miễn không quá thời hạn ba năm kể từ ngày quốc hội mở khóa họp đầu tiên cho kỳ bầu cử khóa trước.


Mỗi ba, hay chưa đầy ba, năm bầu lại chính quyền, người dân Úc có dịp bầu lại lãnh đạo chính trị quốc gia. Tưởng là người lãnh đạo đó sẽ tiếp tục trong cương vị này, ít nhất là cho đến kỳ bầu cử tới, ngoại trừ bị chết yểu, bị mất tích, bị ám sát, hay vì lý do nào đó, như từ nhiệm. Phần lớn lịch sử chính trị Úc từ trước đến nay là thế. Nhưng gần đây lại khác. Trong mắt người dân thì chẳng có lý do chính đáng nào để lãnh đạo chính trị phải thay đổi liên tục. Thế mà trong 11 năm qua, tức chưa đầy bốn kỳ bầu cử, tổng cộng lại chưa bằng thời gian John Howard làm thủ tướng bốn nhiệm kỳ trước đó, đã có tổng cộng bảy lần thay đổi thủ tướng Úc [1].


Rất có thể từ đây đến ngày 18 tháng 5 năm 2019, tức thời điểm phải bầu cử chung cho toàn hạ viện lẫn một nửa thượng viện, Thủ tướng Morrison, người vừa mới lên nắm quyền vào ngày 24 tháng 8 vừa qua, cũng có khả năng bị chính người khác trong đảng thay thế, hoặc bị Bill Shorten thắng cử trong kỳ bầu cử tiếp. Nếu thế thì càng nâng thêm kỷ lục là trong vòng 12 năm thay thế đến tám thủ tướng Úc. Trước đây có một thời nước Nhật cũng thay đổi thủ tướng liên miên, nhưng nay đã tạm ổn định, hay ít ra là không bằng Úc. Phóng viên Nick Bryant của BBC gọi Úc là “thủ đô đảo chánh của thế giới dân chủ” [2].


Người dân, không nhiều thì ít, ở mọi xã hội, đều muốn có cơ hội thay đổi lãnh đạo chính trị quốc gia, nhất là khi lãnh đạo đó đang có vấn đề về tài năng điều hành, đường hướng hay chính sách, chẳng hạn. Nhưng khi lãnh đạo đó không có vẻ gì là có vấn đề và chưa hết nhiệm kỳ thì họ không cảm thấy có lý do chính đáng nào để thay thế. Tuy nhiên, trong cơ chế chính trị Úc, một chế độ đại nghị (parliamentalism), thì đảng hay liên đảng nào chiếm đa số ghế hạ viện 150 ghế, tức từ 76 ghế trở lên, đều có thể thành lập chính quyền (về mặt này thì hành pháp và lập pháp không hoàn toàn độc lập như tổng thống chế (presidentialism), như Hoa Kỳ, chẳng hạn). Đảng hay liên đảng lập chính quyền đó có thể duy trì người thủ lãnh và phó thủ lãnh ban đầu (tức lúc bầu cử), hoặc thay đổi bất cứ lúc nào, nếu họ xét thấy thích hợp. Người thủ lãnh sẽ đảm nhiệm vai trò thủ tướng và tuyển chọn thành viên nội các chính phủ và bộ trưởng các bộ còn lại.


Tóm lại, đối với nền đại nghị của Úc, mặc dầu người dân có thể gián tiếp bầu chọn lãnh đạo chính trị, các thành viên chọn lọc của đảng, gồm những vị dân cử của cả hạ viện lẫn thượng viện (Caucus), có quyền quyết định thay đổi lãnh đạo của mình.


Tuy đây là điều bình thường trước đây, nhưng khi các dân cử làm trái ngược nguyện vọng của người dân, thì đó là điều làm cho họ ngày càng bức xúc và bất mãn. Nhất là khi phần lớn các lý do thay đổi này dựa vào các cuộc thăm dò ý kiến của công chúng trong đó phỏng đoán chính quyền hiện tại có thể tồn tại trong kỳ bầu cử tới không, và nếu không thì bao nhiêu ghế có xác xuất bị mất v.v…


Nhưng tại sao nền chính trị Úc ở trong tình trạng như thế trong vòng 11 năm qua mà hiếm khi xảy ra trước đây?


Theo Kevin Rudd thì sự khủng hoảng dân chủ tại Úc là do một số nguyên nhân [3].


Một, tính cách chính trị đầy kịch tích của thay đổi khí hậu đã làm phân hóa quốc gia hơn một thập niên qua, nhưng Úc lại thiếu sự trưởng thành chính trị quốc gia để đối phó với nó, trong khi đây là lục địa khô khan nhất trên địa cầu hiện nay. Hai, sự coi trọng (hay thờ phượng) quá đáng đối với các cuộc thăm dò ý kiến, làm cho các tầng lớp chính trị không ngừng lo sợ bị mất ghế nếu thật sự hành động lên các chính sách mang tính dài hạn. Ba, cái văn hóa trẻ con của phần lớn thế hệ chính trị gia con nít “Đảng viên trẻ Lao động/Tự do” (Young Labor/Young Liberal), thành phần chưa bao giờ làm gì khác ngoài chính trị trong thời sinh viên của họ, chỉ nhìn thấy chính trị như trò chơi để đối sử tồi tệ với người khác. Bốn, sự thuận tiện thay đổi/đảo chánh lãnh đạo, dưới quy luật của hai chính đảng hiện nay, dễ như trở bàn tay (qua sự kiện chính ông Rudd bị truất phế năm 2010 thì sau đó lúc trở lại ông đã tu chính quy định này cho Đảng Lao động vào năm 2013, nhưng Đảng Cấp tiến thì chưa đổi). Năm, mẫu người như Tony Abbot, người mà Rudd cho là không hề quan tâm đến chính sách, không hề khởi xướng hay thi hành một chính sách nào đáng kể, mà chỉ quan tâm đến thắng lợi bằng mọi giá, đã ảnh hưởng không ít tiêu cực lên nền chính trị quốc gia trong thời gian qua.


Nhưng trên hết, Rudd biện luận nguyên do chính là ảnh hưởng của Rupert Murdoch, mà ông cho là “ung thư lớn nhất đối với nền dân chủ Úc” (the greatest cancer on the Australian democracy). Rudd cho rằng Murdoch không chỉ là cơ quan thông tin bình thường, mà hoạt động và tổ chức như một đảng chính trị; không chỉ theo đuổi các quyền lợi thương mại được vạch ra rõ ràng, mà ông còn có cái nhìn về thế giới mang ý thức hệ cực hữu. Các kênh truyền thông của Murdoch, như các báo chí của ông tại Anh, đã ảnh hưởng đến kết quả của Brexit tại Anh, còn Fox News đã giúp cho Tea Party và Trump ảnh hưởng lên Đảng Cộng hòa tại Hoa Kỳ; tại Úc cũng như Hoa Kỳ, Murdoch đã vận động hàng thập niên qua ủng hộ việc giảm thuế cho người giàu, giết chết các hành động về thay đổi khí hậu, và thủ tiêu tất cả những gì gần giống chủ nghĩa đa văn hóa. Murdoch đã chiếm hai phần ba thị trường báo chí tại Úc, điều mà Rudd cho là không có nền dân chủ nào gần như độc quyền truyền thông một cách hiệu quả giống như Murdoch.


Rudd chia sẻ chính ông biết cả hàng tá chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, ký giả và học giả, cả tả lẫn hữu, đều rất sợ để đối diện với Murdoch vì các đòn trả thù đối với cá nhân họ. Riêng trong trường hợp của mình thì Rudd cho biết trong thời ông làm thủ tướng, Murdoch không thích các chiến sách kích thích kinh tế, ghét bỏ chiến lược thay đổi khí hậu, và tìm mọi cách để triệt tiêu hệ thống NBN mang dây cáp quang đến nhà (fiber-optic to the home) vì lo sợ rằng như thế sẽ giúp cho Netflix trở thành đối thủ của Foxtel, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty của mình.


Riêng trong trường hợp của Turnbull thì được biết Murdoch đã quyết định Turnbull phải ra đi. Theo phóng viên Andrew Probyn, người đã từng làm việc tám năm cho News Corp của Murdoch, thì Murdoch đã đến Úc ngày 10 tháng 8, ngày 20 vẫn còn ở Úc, tức trong cái tuần mà Peter Dutton thách thức Malcolm Turnbull và sau đó “đảo chánh” thành công, mặc dầu kết quả không thuận lợi cho Dutton [4]. Theo các nguồn tin mà Probyn thu thập được thì Murdoch rõ ràng bày tỏ ý kiến của mình là “Turnbull phải ra đi”. Murdoch cho rằng nếu việc ra đi của Turnbull có làm cho Liên Đảng thất cử sắp tới, thì cũng chẳng sao cả, không đến nỗi tệ hại lắm, vì ông có thể tồn tại ba năm với một chính quyền Lao động, và ông vẫn có thể “làm ra tiền” được. Tờ báo The Australian của Murdoch (News Corp) vẫn tiếp tục đưa các thông tin và bình luận bất lợi cho Turnbull cho đến ngày thứ Sáu 24 tháng 8 khi cuộc “đảo chánh” đã hoàn tất. Trong khi đó, Kerry Stokes, một doanh nhân, tỷ phú, người sở hữu khá nhiều cơ quan truyền thông tại Úc, và là người khá thân cận với Turnbull, lại không hề muốn ông Turnbull bị truất phế như thế. Nhưng sau khi trao đổi với Murdoch, và khi nhận ra rằng ván cờ không thể đảo ngược nữa, cuối cùng trên tờ báo The West Australian mà ông sở hữu, đã chọn quyết định yểm trợ cho Scott Morrison bằng tít lớn: “Thủ tướng nên đứng sang một bên cho ScoMo (tức Scott Morrison)” [5].


Tóm lại, sự thay đổi lãnh đạo chính trị ngoạn mục tại Úc vừa qua đã quá sức tưởng tượng của nhiều người. Bốn cuộc “đảo chánh” thành công trong 11 năm qua, nhất là cuối tháng Tám vừa rồi, đã làm cho nhiều người bất bình, nếu không phải là phẫn nộ. Nhưng tôi cho rằng nguồn gốc vấn đề này bắt đầu từ cuối thời của John Howard, năm 2006, 2007. Người dân đã mong muốn thay đổi chính quyền sau bốn nhiệm kỳ, và bày tỏ rõ ràng như thế qua nhiều cuộc thăm dò ý kiến. Peter Costello, Bộ trưởng Tài chánh (Treasurer) lúc đó, mong muốn Howard nhường quyền lãnh đạo lại cho mình nhưng Howard chưa sẵn sàng. Kết quả là liên danh Kevin Rudd và Julia Gillard đã thắng vẻ vang, và chính ghế của Howard cũng không giữ nỗi, bị mất về tay cô phóng viên Maxine McKew thuộc Đảng Lao động. Có lẽ đây là một trong các bài học quan trọng nhất của cả hai đảng Cấp tiến và Lao động trong việc chủ động thay đổi nhân sự lãnh đạo khi các cuộc thăm dò ý kiến bất lợi về mình để, một, có khả năng xoay chuyển tình thế để biến thua thành thắng, và hai, nếu thua, thì cũng giảm thiểu số ghế bị mất. Nó trở thành một tiền lệ, hay chuẩn mực, cho nền chính trị Úc kể từ đó.


Với bài học này, các chính trị gia đã áp dụng triệt để tình hình thực tế khi đến gần kỳ bầu cử kế tiếp. Ai cũng sợ mất ghế, nên quyền lực và quyền lợi của mỗi dân biểu và thượng nghị sĩ mang tính quyết định cho các hành động của họ, không nhất thiết cho quyền lợi của toàn đảng. Tương tự, quyền lực và quyền lợi của đảng, trên lý thuyết, là để phục vụ người dân và cử tri, và trên hết nó phải là phương tiện để phục vụ quốc gia, nhưng trên thực tế, các chính đảng coi quyền lợi và quyền lực của mình là trên hết. Thay vì thương lượng, cho và lấy, để cũng đi đến thỏa hiệp có lợi cho toàn quốc gia, họ rõ ràng không sẵn sàng làm như thế. Cũng vì thế nên họ tùy tiện thay đổi lãnh đạo với nhau bất kể nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, ảnh hưởng lớn lao của vài nhà tài phiệt đang nắm giữ các cơ quan truyền thông tại Úc, chủ yếu là Murdoch, cũng tác động đáng kể lên tiến trình dân chủ tại Úc.


Các sinh hoạt đảng phái và các chuẩn mực dân chủ ngày càng có vẻ bị soi mòn, suy thoái. Đảng chính trị, lẽ ra, là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Cái vấn đề chung của chính trị toàn cầu ngày hiện nay là người ta dùng phương tiện riết rồi họ tưởng nó là cứu cánh luôn. Khi tin tưởng và tuyệt đối trung thành với đảng mình, người ta nhìn vấn đề từ bên trong ra, tức nội chiếu (introspection), hơn là nhìn từ bên ngoài vào, tức ngoại thức (extrospection), nên khó thấy được toàn cảnh. Người ta sẽ nhìn vấn đề ở lăng kính hoàn toàn khác nhau. Những góc nhìn như thế khó làm cho họ đánh giá khách quan hoặc chính xác về mình và về mọi vấn đề khác. Đó cũng là điều tự nhiên khi con người học hỏi và làm việc. Nhưng khi phần lớn chủ quan cho là mình là đúng nhất, hay nhất, bất chấp dư luận hay bằng chứng khoa học ra sao, đó là điểm khởi đầu, là nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa, của sự suy thoái. Sự thay đổi sẽ vô cùng khó khăn đối với tư duy bảo thủ, giáo điều. Hệ quả sẽ vô cùng tiêu cực và không có lối thoát.


Đã đến lúc Đảng Cấp tiến cũng phải cải tổ quy định về việc thay đổi lãnh đạo, như Kevin Rudd đã làm đối với Lao động, để nó không dễ như trở bàn tay, như hiện nay. Đã đến lúc quốc hội Úc phải thay đổi hiến pháp và luật bầu cử để nhiệm kỳ trở thành bốn năm, thay vì ba năm, và ngày bầu cử được ấn định hẳn hoi, thay vì thủ tướng đương nhiệm quyết định. Đã đến lúc người dân cùng với quốc hội và chính quyền tìm những phương cách sáng tạo và hữu hiệu để hạn chế sự lũng đoạn của những tài phiệt như Murdoch, nếu không mọi lá phiếu của mọi công dân chỉ là tượng trưng chứ thực chất chẳng còn giá trị bao nhiêu. Sau cùng, tôi thấy đề nghị của ông Rudd rất hay là chính quyền Úc được công chúng bầu vào nhiệm kỳ tới cần ủy nhiệm một ủy ban độc lập để mở cuộc điều tra về những lũng đoạn của Rupert Murdoch hầu điều nghiên các hoạt động này có vi hiến và vi pháp không.


Chúng ta phải đấu tranh để giành lại quyền quyết định của mình trong việc chọn lựa lãnh đạo quốc gia một cách xứng đáng và liêm chính. Nếu không thì nền dân chủ trở thành chính trị đầu sỏ quyết định bởi thiểu số tài phiệt.


Phạm Phú Khải
Úc Châu, 24/09/2018


Tài liệu tham khảo:


1. John Howard thuộc Liên Đảng (Cấp tiến và Quốc gia) bị Kevin Rudd thuộc Đảng Lao động thắng cử năm 2007; Rudd bị Julia Gillard thay thế năm 2010, vài tháng trước khi Rudd hết nhiệm kỳ năm 2010; Gillard lại bị chính Rudd thay thế năm 2013 trước khi Gillard hết nhiệm kỳ 2013 vài tháng; Tony Abbot thuộc Liên Đảng đánh bại Rudd năm 2013; Abbot bị Malcolm Turnbull thay thế năm 2015 trước khi Abbot hết nhiệm kỳ năm 2016; Turnbull thắng cử năm 2016 nhưng chưa hết nhiệm kỳ năm 2019 của mình thì bị Peter Dutton thách thức, không thành, rồi mấy ngày sau bị thách thức lần nữa; kỳ này ngoài Peter Dutton còn có Scott Morrison và Julia Bishop tham gia. Kết quả: Scott Morrison trở thành thủ tướng Úc vào ngày 24 tháng 8 năm nay, thủ tướng lần thứ bảy trong vòng 11 năm, trong bốn kỳ bầu cử. Có thể xem Prime Ministers of Australia trên Wikipedia.


2. Nick Bryant, “Australia: Coup capital of the democratic world”, BBC News, 14 September 2015.


3. Kevin Rudd, “Cancer eating the heart of Australian democracy”, The Age, 27 August 2018.


4. Andrew Probyn, “What did Rupert Murdoch and Kerry Stokes have to do with the Liberal leadership spill?”, ABC News, 19 September 2018.


5. Nick O’Malley, “Labor's laughing as Coalition kowtows to Murdoch”, The Age, 22 September 2018.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1243 guests

cron