Bộ Công Thương: Kiến nghị xử lý người xuyên tạc giá điện gây
Một lãnh đạo Bộ Công thương vừa lên tiếng nói rằng kiến nghị của Bộ trong việc yêu cầu chính phủ chỉ đạo báo chí không đưa tin trái chiều và xử lý những cá nhân “xuyên tạc” về giá điện là do “cách diễn đạt” nên đã gây hiểu lầm cho dư luận.
Lời giải thích của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng được đưa ra trên truyền thông trong nước vào ngày 23/5, ba ngày sau khi kiến nghị xử phạt của Bộ này đưa ra đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ công luận và cả trên bàn nghị sự Quốc hội.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả điều tra tăng giá điện, Bộ Công thương nói rằng việc tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 8,36% kể từ ngày 20/3 là “thực hiện theo đúng quy trình” và “tuân thủ các quy định”.
Bộ này còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin-Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí “không đưa thông tin trái chiều về giá điện” và “có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.
Kiến nghị xử phạt của Bộ Công thương đã bị người dân lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội, cho rằng yêu cầu này là “bất hợp lý”, thậm chí “bất hợp pháp” khi người dân có quyền hợp pháp trong việc phản ánh các vấn đề xã hội.
Bên lề cuộc họp Quốc hội ngày 21/5, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa của tỉnh Đồng Tháp cho rằng kiến nghị xử phạt của Bộ Công thương là “phản cảm” và cho thấy Bộ này “không cầu thị”.
Trả lời trên báo chí ngày 23/5, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói Bộ này “luôn luôn trân trọng lắng nghe và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của các nhà khoa học, các cơ quan báo chí và đặc biệt là người tiêu dùng” và “với tinh thần cầu thị”.
Lãnh đạo này nói thêm rằng Bộ đã nhận thấy “cách diễn đạt” trong văn bản có thể gây hiểu lầm, khiến dư luận cho rằng Bộ đánh đồng những phản biện tích cực với những thông tin có ý bịa đặt. Vì vậy, Bộ này sẽ “rút kinh nghiệm” và phối hợp làm tốt hơn nữa “công tác tuyên truyền” nhằm để dư luận hiểu đúng, từ đó sẽ chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.
Quyết định tăng giá điện và áp dụng biểu giá bậc thang gần đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khiến cho nhiều người dân bất bình và phản đối, sau khi họ nhận được hóa đơn tiền điện tăng gấp 2, 3 lần so với trước đây.
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà hôm 22/5 còn khẳng định mức tăng giá 8,36% mà EVN công bố là không chính xác. Bà Hà dẫn thông tin từ các chuyên gia kinh tế cho hay người tiêu dùng ở bậc 6 phải trả mức tăng giá lên đến 189% so với giá cơ sở, tăng 15% so với giá trước đây. Giá điện áp dụng cho các bậc tiêu thụ khác cũng tăng từ 10%-15%, chứ không phải 8,33-8,4% như trong đề xuất đã được chính phủ phê duyệt.
Đại biểu QH này cho rằng EVN đã “ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn” khi giải trình. Bà Hà đề nghị kiểm toán Nhà nước phải “vào cuộc” điều tra và báo cáo cho QH vào kỳ họp tới.