Bầu cử Úc: Vẫn như cũ!
Bầu cử liên bang Úc vào cuối tuần qua, thứ Bảy 18 tháng Năm, đã đưa đến kết quả khá bất ngờ. Bất ngờ đối với mọi người, bên thắng cũng như bên thua.
Đương kiêm Thủ tướng Scott Morrison, người lên thay thế cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull tháng Tám năm ngoái, có lẽ tiếp tục được người dân Úc tín nhiệm. Có lẽ, vì để thành lập chính phủ, các đảng hay liên đảng cần phải chiếm đa số ghế ở hạ viện, có tổng cộng 150 ghế. Nghĩa là họ phải có 76 ghế hoặc hơn. Hiện nay Liên đảng Quốc gia và Cấp tiến chiếm 75 ghế, cho nên chỉ cần một dân biểu độc lập đứng về phía Liên đảng là đủ. 4 ghế hiện nay vẫn còn sát nút nên phải cần đếm từng phiếu mới biết được kết quả sau cùng. Trong khi đó đảng Lao động chỉ chiếm được 65 ghế. Lúc viết bài này thì tin tức mới nhất cho hay Liên đảng có thể chiếm được 77 ghế để thành lập chính phủ đa số (majority Government).
Kết quả bầu cử bất ngờ, đối với mọi người, là vì các cuộc thăm dò ý kiến trong nhiều tháng qua, và xa hơn, hai năm qua, hầu như đều có kết luận chung là Lao động sẽ thắng. Thêm vào đó, đương kiêm Thủ tướng Scott Morrison không phải là người sáng giá và lại không có những chính sách thu hút hay xuyên suốt. Trong khi đó, mặc dầu thủ lãnh đối lập Bill Shorten cũng không phải là người sáng giá hơn, nhưng ít ra ông đã đưa ra những chính sách thu hút về cải tổ thuế, chăm sóc trẻ con, sức khỏe và giáo dục, môi trường/thay đổi khí hậu v.v… Ngoài ra, tâm lý chung của người dân Úc trước cuộc bầu cử có vẻ muốn ủng hộ một sự thay đổi. Sáu năm cầm quyền kể từ năm 2013 với ba đời thủ tướng tưởng chừng như đủ lý cớ cho một chính quyền mới. Nhưng kết quả bầu cử cho thấy vấn đề không đơn giản như nhiều người nghĩ.
Có ba điều đáng nói qua kết quả bầu cử kỳ này.
Một, cần nhận định lại giá trị của các cuộc thăm dò ý kiến. Câu hỏi mà nhiều người, trong lĩnh vực truyền thông lẫn chính trị và nghiên cứu/học thuật, là liệu có nên tiếp tục tin tưởng vào các kết quả thăm dò ý kiến nữa hay không? Đây không phải là lần đầu. Kết quả bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 cũng đa số kết luận Hillary Clinton/Dân chủ sẽ thắng Donald Trump/Cộng hòa. Kỳ này cũng vậy, các thăm dò kết luận Lao động sẽ thắng Liên đảng dễ dàng. Nhưng kết quả sau cùng không phải là sát nút mà là chênh lệch đến hơn 10 ghế. Ai cũng ngỡ ngàng!
Tại sao vậy? Theo các chuyên gia về thăm dò ý kiến thì lý do nằm ở cả hai mặt. Số lượng người tham gia các cuộc thăm dò ý kiến và chất lượng của các dữ liệu đều tụt giảm. Trước đây, các cơ quan thực hiện thăm dò ý kiến được phép sử dụng các số điện thoại, được liệt kê cũng như không liệt kê chính thức, để khảo sát. Nhưng hơn một thập niên qua họ không còn được phép này nữa. Các cơ quan truyền thông cũng không còn đủ tiền để thực hiện thăm dò như trước đây. Và có lẽ vấn đề cũng nằm ở niềm tin. Người dân có đủ sự tin tưởng để cho biết họ thật sự nghĩ gì và dự định bầu cho ai không? Còn một lý do khác nữa, là khi các cuộc thăm dò ý kiến đều đưa ra kết quả là Lao động sẽ thắng, thì có khả năng cao là một số người không muốn Lao động thắng lớn, muốn có sự cân bằng, vì vai trò của đối lập lẫn chính quyền đều quan trọng. Một chính quyền mạnh với một đối lập yếu thì đối lập không kiềm chế được nguy cơ sử dụng quyền lực quá đà của chính quyền. Tri thức và văn hóa dân chủ cao thường có xu hướng cân bằng để tránh sự quá thái của bất cứ một xu hướng nào.
Đây đều là những yếu tố tác động phức tạp, và cần phải có đủ dữ liệu và nghiên cứu để có thể phân tích khoa học và chính xác trong thời gian tới.
Hai, tâm lý an toàn có lẽ quyết định. Tuy Bill Shorten đưa ra các chính sách hứa hẹn lớn, đa số người Úc hình như vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng ông Shorten. Người ta vẫn chưa quên chính Shorten là người đứng đằng sau cuộc “đảo chánh” Kevin Rudd tháng Sáu năm 2010. Không chỉ là không tin thôi, mà nhiều người cảm thấy khó gần gũi, nếu không phải là xa cách, với ông Shorten. Ngoài ra, mặc dầu các chính sách ông đưa ra đều thể hiện sự công bằng và bình đẳng hơn cho người dân Úc, kết quả sau cùng cho thấy đa số vẫn chọn Liên đảng vì họ vẫn lo lắng trước những thay đổi lớn mà có vẻ, đối với họ, hơi bất định. Đảng United Australia Party/UAP của nhà tỷ phú, cựu Thượng nghị sĩ, Clive Palmer, đã bỏ ra hơn 60 triệu đô la quảng cáo chính trị để tìm mọi cách làm cho Lao động thất bại kỳ này. Tuy không được ghế nào cho mình, ngay cả mất luôn ghế thượng nghị sĩ kỳ này, ông Palmer vẫn thấy số tiền bỏ ra là chính đáng để cho Liên đảng thắng. Các quảng cáo đánh vào Shorten/Lao động chủ yếu nắm vào chính sách gia tăng thuế, đánh vào uy tín của Shorten, và vào các chính sách lớn mà nhiều thành phần trong xã hội sẽ phải hứng chịu. Và có đã có tác động thật sự. Trong khi đó Morrison tuy không đưa ra chính sách lớn hay nhất quán nào cả, nhưng lại đề cao nền kinh tế đang vững tốt và sẽ không có thay đổi lớn về thuế. Kỳ này người Úc đã chọn an toàn hơn là những hứa hẹn lớn nhưng có khả năng rủi ro.
Ba, thay đổi khí hậu sẽ tạo các thay đổi dây chuyền. Cuộc bầu cử dân chủ nào cũng sẽ đưa đến kết quả kẻ mất người còn. Trước đây những ghế an toàn thuộc Lao động, Quốc gia hay Cấp tiến, đều khó bị lung lây. Trong thời gian gần đây, nó không còn chắc chắn như trước nữa. Thủ tướng John Howard không những bị thua Kevin Rudd trong cuộc bầu cử năm 2007, mà ngay cả ghế an toàn Bennelong thuộc đảng Cấp tiến cũng bị mất về tay Maxine McKew. Năm nay ông Howard đi vận động cho Liên đảng, và cũng dồn nỗ lực để vận động cho cựu Thủ tướng thứ 28 của Úc, Tony Abbot, thuộc vùng cử tri Warringah, mà ông Howard từng đỡ đầu. Kết quả: Tony Abbot mất ghế của mình về tay cô Zali Steggall, một luật sư, vận động viên Olympic (từng đoạt huy chương vàng về trượt tuyết) và mới tham gia chính trị với tính cách độc lập, không thuộc đảng nào. Lập trường về thay đổi khí hậu của cô Steggall đã giúp cô thắng ông Abbot, người đã từng có những chính sách cũng như phát biểu phản bác nó trước đây, và, gần đây, thiếu dứt khoát, không rõ ông ủng hộ hay chống đối cụ thể ra sao. Đây là một vấn đề cực lớn mà nếu tránh né trước sau gì cũng sẽ bị tác động ngược.
Sau mọi cuộc bầu cử, kẻ thua người thắng, mỗi ba bốn hoặc năm năm, là điều bình thường. Sẽ có hy vọng và niềm vui, và cũng sẽ có thất vọng và nỗi buồn. Vai trò của những người lãnh đạo chính trị là xây dựng niềm tin và hy vọng cho toàn thể người dân, bất kể thuộc xu hướng nào, sau bầu cử. Họ cần có chính sách thích hợp và không phân biệt để mọi người dân vượt qua khác biệt hầu cùng nhau đóng góp và phát triển cho mục tiêu chung của con người, xã hội, và đất nước.
(Úc Châu, 20/05/2019)