Trung Quốc muốn đẩy nhanh COC để Mỹ không can thiệp vào Biển
Trung Quốc và các nước đông nam Á có tranh chấp chủ quyền trên vùng Biển Đông chiến lược mong muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) giúp giảm nguy cơ xung đột và giữ cho Mỹ không thể can thiệp vào tranh chap.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh và các nước đông nam Á trong hiệp hội ASEAN sẽ ‘đẩy nhanh’ các cuộc đàm phán COC trên Biển Đông, tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc đưa tin hôm 8/3. Những ngày sau đó, ông Vương nói với báo giới rằng các cuộc đàm phán ‘đang tăng tốc với lộ trình rõ ràng’.
Mục tiêu đó có nghĩa là COC có thể sẽ được ký kết vào năm 2020 – sớm hơn so với dự đoán trước đây của Trung Quốc là năm 2021 – để tàu bè các nước có tranh chấp có thể dựa vào để tránh các sự cố không may ở vùng Biển Đông rộng lớn và đông đúc, theo các nhà phân tích.
Bắc Kinh rất bất bình việc Hải quân Mỹ cho tàu chiến đi qua vùng biển này – nơi họ có lợi thế quân sự và kỹ thuật trước bốn quốc gia đông nam Á có tuyên bố chủ quyền tranh chấp với họ. Việc sớm ký kết COC có thể là tín hiệu cho Washington thấy rằng Bắc Kinh có thể làm việc với các nước láng giềng mà không cần ảnh hưởng của Mỹ, các học giả cho biết.
“Nếu không có Mỹ thì phía Trung Quốc sẽ không nói rằng Bộ quy tắc ứng xử là yêu cầu nhất thiết phải có,” bà Tôn Vân, chuyên gia cao cấp chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson ở Washington, D.C., nhận định.
“Với Bộ quy tắc ứng xử, Trung Quốc có thể nói với Mỹ rằng ‘chúng tôi đã có một thỏa thuận và không có lý do gì quý vị phải can thiệp vào bất cứ những gì chúng tôi làm là giữa chúng tôi, Trung Quốc, và họ, các quốc gia đông nam Á,” bà Tôn nói thêm.
Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam có tuyên bố chủ quyền với một phần hay toàn bộ vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông với nguồn thủy sản dồi dào, tuyến đường hàng hải tấp nập và trữ lượng dầu mỏ tiềm năng. Trung Quốc đã khiến cho các nước phải cảnh giác khi họ xây dựng đảo nhân tạo và triển khai thiết bị quân sự ra vùng biển này.
Washington, vốn là đồng minh của nước có tranh chấp với Trung Quốc, đã tăng cường các cuộc tuần tra hải quân ở vùng biển này trong năm 2017 để giám sát các hoạt động của Trung Quốc.
Trung Quốc và Hiệp hội Asean gồm 10 thành viên đã đàm phán lúc được lúc ngưng về COC cho Biển Đông kể từ khi Asean ủng hộ ý tưởng này hồi năm 1996. Một số nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh đã từng làm đình trệ quá trình đàm phán này nhưng đã đổi ý 180 độ sau khi bị thua trong một vụ kiện ở tòa trọng tài về cơ sở pháp lý đối với tuyên bố ‘chủ quyền lịch sử’ của họ trên90% diện tích Biển Đông.
Sau khi các bên cam kết sẽ đàm phán về thỏa thuận COC hồi năm 2017 và trong lúc các cuộc đàm phán cam go đang diễn ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi năm ngoái dự báo rằng sẽ mất ba năm để hoàn thành COC.
Năm 2020 sẽ là một năm khả dĩ để đạt được COC bởi vì Trung Quốc hy vọng sẽ làm việc với Việt Nam, chủ tịch luân phiên Asean trong năm 2020, theo ông Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak ở Singapore. Trong năm nay, Trung Quốc và Asean đang tập trung vào tự do hóa thương mại, ông cho biết.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc dường như tỏ dấu hiệu cho thấy giờ đây họ muốn nhanh chóng có COC,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng có thể là năm tới. Năm tới sẽ đến lượt Việt Nam làm chủ tịch Asean. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể có nguyên nhân chiến lược để làm việc với Việt Nam.”
Việt Nam là nước tranh chấp trên Biển Đông lên tiếng mạnh mẽ nhất với Trung Quốc. Mặc dù các sự cố va chạm trên biển giờ đây là rất hiếm, các tàu của Việt Nam và Trung Quốc đã đâm vào nhau hồi năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào thềm lục địa của Việt Nam. Hai nước cũng từng có xung đột quân sự khiến nhiều người thương vong vào các năm 1974 và 1988.
Bộ quy tắc ứng xử dự kiến sẽ đưa ra những hướng dẫn để ngăn chặn những sự cố như thế xảy ra trên vùng biển vốn chiếm đến 1/3 lượng hàng hóa vận tải bằng đường biển trên thế giới và ngành đánh bắt hải sản có đến 3,7 triệu lao động.
Dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Hải quân Mỹ đã cho tàu chiến đi qua Biển Đông ít nhất 10 lần. Bắc Kinh rất bất bình với hành động này bởi vì Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này.
Tiến triển trong quá trình đàm phán COC sẽ cải thiện tinh thần cho các cuộc tập trung giữa Trung Quốc và Asean trong tương lai, ông Alexander Huang, giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Đạm Giang, Đài Loan nói.
Lầu Năm Góc sẽ công bố chiến lược quân sự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới trước các Bộ trưởng Quốc phòng trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào cuối tháng này, theo trang tin USNI. Chiến lược này được xem là một cách để kiềm chế sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
“Có lẽ Trung Quốc muốn có đóng góp ý kiến của mình vào trước khi Mỹ tuyên bố,” Giáo sư Huang nói.
Mỹ có quan hệ đồng minh lâu đời với Đài Loan và Philippines cùng với quan hệ đang nảy nở với cựu thù chiến tranh, Việt Nam. Tất cả những nước này, vốn yếu hơn Trung Quốc về quân sự, đều mong dựa vào Washington để chặn đà ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự thúc đẩy các cuộc đàm phán COC không hề dễ dàng, các nhà phân tích cảnh báo. Họ cho rằng Bắc Kinh sẽ chống đối việc xác định phạm vi vùng biển, chống đối các thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý và ngăn chặn các điều khoản thực thi nào có khả năng hạn chế hành động trên biển của Trung Quốc. ASEAN sẽ yêu cầu những nội dung này trong các cuộc đàm phán.
Theo bà Tôn thì Asean xem một số đòi hỏi của Trung Quốc là ‘không thể đáp ứng được’.
Trước đây, Bắc Kinh từng tuyên bố sẽ chóng đạt được thỏa thuận để tỏ thiện chí ở đông nam Á nhưng không có kết quả gì, ông Oh Ei Sun, chuyên gia cao cấp tại Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, nhận định. “Hết lần này đến lần khác, họ cũng đều đưa ra những tuyên bố như thế,” ông nói. “Các cuộc đàm phán không kết thúc.”