Làm sao để trừng phạt tội khinh nhờn Quốc hội Mỹ?
Hạ viện Mỹ hôm 2/5 đã đe dọa sẽ quy cho Bộ trưởng Tư pháp William Barr tội ‘khinh nhờn Quốc hội’ vì đã không tuân thủ trát đòi giao nộp bản báo cáo chưa hiệu đính về cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu tìm hiểu sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ 2016 và sự liên hệ của ban vận động cho ông Donald Trump. Điều này có nghĩa thế nào?
Quốc hội Mỹ ngày nay không còn bắt giữ và tống giam những ai bất tuân trát đòi của họ nữa nhưng họ vẫn có quyền lực rất lớn trong việc yêu cầu nhân chứng và tài liệu mặc dù việc này sẽ mất thời gian. Trát đòi về tội khinh nhờn là một phần chủ chốt trong quyền lực của Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, với sự ủng hộ của ông Barr, đang cương quyết chống đối các cuộc điều tra của Hạ viện do phe Dân chủ điều khiển để tìm hiểu trắng đen những cáo buộc sai phạm nhắm vào chính quyền Trump, gia đình Trump, và những lợi ích kinh doanh cá nhân của ông Trump.
Cuộc đối đầu giữa Nhà Trắng và Quốc hội hôm 2/5 đã leo thang khi ông Barr từ chối ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện về cách ông xử lý bản báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ để ủng hộ cho ông Trump hồi năm 2016 và nỗ lực của ông Trump nhằm cản trở cuộc điều tra.
Thế nào là trát đòi?
Trát đòi là yêu cầu sự khai chứng bằng tài liệu, số liệu và nhân chứng mà pháp luật bắt buộc phải tuân thủ. Tòa án Tối cao đã công nhận thẩm quyền ra trát của Quốc hội với lý do rằng để làm ra luật, Quốc hội cần có khả năng điều tra.
Mặc dù thẩm quyền ra trát của Quốc hội là rất rộng nhưng nó không phải là không có giới hạn. Tòa án Tối cao đã nói rằng Quốc hội không phải là cơ quan thực thi pháp luật và không thể điều tra ai đó chỉ vì để phơi bày sai trái hay những thông tin tai hại đối với họ cho mục đích chính trị. Trát đòi nhất thiết phải nhằm để ‘thúc đẩy mục đích lập pháp hợp pháp’, Tòa án Tối cao từng phán quyết.
Quốc hội có thể làm gì nếu một quan chức chính quyền bất tuân trát đòi?
Nếu Quốc hội muốn trừng phạt ai đó đã kháng cự lại trát đòi của họ thì thông thường trước hết họ phải quy cho người đó tội ‘khinh nhờn Quốc hội’, các chuyên gia pháp lý giải thích.
Quy trình buộc tội khinh nhờn có thể diễn ra ở Hạ viện hay Thượng viện. Khác với việc ra luật, chỉ cần một trong hai viện Quốc hội cũng đủ ra và thực thi trát đòi về tội khinh nhờn.
Thông thường, các thành viên của ủy ban Quốc hội ra trát sẽ bỏ phiếu về việc có xúc tiến việc buộc tội khinh nhờn hay không. Nếu được đa số ủy ban thông qua, việc quy tội này sẽ được đưa ra trước toàn thể một viện Quốc hội.
Đảng Dân chủ hiện đang nắm thế đa số tại Hạ viện. Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đang nắm Thượng viện.
Chỉ cần đa số trong tổng số 435 dân biểu Hạ viện bỏ phiếu thuận là việc quy tội khinh nhờn được thông qua. Sau khi đã bỏ phiếu thông qua thì Quốc hội có quyền hành để trừng phạt người phạm tội.
Làm sao để trừng phạt tội khinh nhờn Quốc hội?
Tòa án Tối cao hồi năm 1821 từng nói rằng Quốc hội có ‘thẩm quyền nội tại’ để bắt giữ và tống giam những ai bất tuân lệnh của họ.
Vào năm 1927, Tòa án Tối cao nói rằng Thượng viện đã hành động hợp pháp khi điều trật tự viên Quốc hội đến Ohio để bắt giữ và tống giam em trai của bộ trưởng tư pháp lúc đó vì đã không chịu ra khai chứng về một âm mưu hối lộ.
Đã gần một thế kỷ kể từ khi Quốc hội thực hiện quyền bắt giữ này và cách làm này ít có khả năng được lặp lại, các chuyên gia pháp lý cho biết.
Thay vào đó, Quốc hội có thể yêu cầu công tố viên liên bang của Đặc khu Columbia tống đạt cáo trạng hình sự đối với nhân chứng không chịu ra khai chứng trước Quốc hội. Luật hình sự của Mỹ có quy định cụ thể về không được phép vi phạm trát đòi của Quốc hội.
Tuy nhiên, khả năng này cũng ít có khả năng xảy ra, ít nhất là đối với các trát đòi nhắm vào các quan chức nhánh hành pháp do các công tố viên liên bang cũng nằm trong Bộ Tư pháp của nhánh hành pháp.
“Sẽ rất lạ đời về mặt hệ thống bởi vì điều đó có nghĩa là chính quyền Trump phải hành động để thực thi trát đòi đối với chính quyền Trump,” bà Lisa Kern Griffin, cựu công tố viên liên bang và giáo sư luật tại Đại học Duke, cho biết.
Vì lý do này, trong thời hiện đại Quốc hội Mỹ đã dùng đến cách làm thứ ba để xử lý những ai bị quy tội ‘khinh nhờn Quốc hội’: sử dụng các luật sư ra đơn kiện dân sự để yêu cầu thẩm phán phán quyết rằng người phạm tội phải tuân thủ, nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù, bà Griffin nói.