Thủ tướng Phúc sẽ dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” ở Bắc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 tại Bắc Kinh trong tuần này, theo thông báo của Chính phủ Việt Nam.
Một bản tin ngắn trên cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng hôm 22/4 cho biết người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ tham dự diễn đàn này từ ngày 25-27/4 theo lời mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Phúc sẽ tới Bắc Kinh trong lúc có những đồn đoán về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trước đó ông Trọng được dự kiến sẽ thăm Trung Quốc và Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, kể từ khi có tin đồn người đứng đầu nhà nước Việt Nam nhập viện ở Kiên Giang hôm 14/4, ông Trọng chưa xuất hiện trước công chúng lần nào.
Diễn đàn “Vành đai và Con đường” là một chiến lược phát triển do Chủ tịch Tập đề xướng vào năm 2013 để kết hợp “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” với “Con đường Tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21.”
Theo chính phủ Trung Quốc, diễn đàn này nhằm mục đích tăng cường sự kết nối trong khu vực bằng cách phát triển các dự án cơ sở hạ tầng để tạo ra những mạng lưới trên đất liền và trên biển nối giữa Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết một bản ghi nhớ nhằm tăng cường sự kết nối giữa các sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” và “Vành đai và Con đường” trong thời gian Chủ tịch Tập thăm Việt Nam năm 2017.
Sáng kiến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” được đề xuất vào năm 2004 để tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức, chính trị gia và các nhà nghiên cứu ở Mỹ và châu Âu đều cho rằng những nước tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị với lý do những nước này sẽ trở thành các con nợ của Bắc Kinh và thậm chí mất đi các nguồn tài nguyên cũng như bị Trung Quốc theo dõi.
Tuy nhiên, ông Tập tuyên bố vào tháng 4 năm ngoái rằng hơn 80 quốc gia và tổ chức đã tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” và rằng Trung Quốc cam kết đầu tư 126 tỷ USD vào sáng kiến này.
Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của Việt Nam vào tháng 2 năm ngoái và điều này đã gây ra lo ngại rằng Việt Nam sẽ càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.
Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc chỉ chú ý nhiều đến khai thác tài nguyên của Việt Nam và kém trong chuyển giao công nghệ. Theo IAVietnam, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên trải dài từ bắc đến nam của Việt Nam, trong đó nổi nhất là dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng 13,8% trong năm ngoái lên 106,7 tỷ USD.