Sau 2 năm, người Đồng Tâm tiếp tục đòi CP không giao đất cho

PostMon Apr 15, 2019 10:29 am

VOA - Vietnam News


Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, hôm 15/4 tổ chức buổi lễ kỷ niệm 2 năm “cuộc chiến chống giặc cướp đất”, với thông điệp chính được đưa ra tại buổi lễ là người dân xã tiếp tục đòi chính phủ “không giao đất” cho tập đoàn Viettel.


Lễ kỷ niệm diễn ra trong hoàn cảnh suốt 3 ngày trở lại đây, các nhân viên công an có mặt “khắp các ngõ ngách” và chính quyền bố trí “kín lịch” từ ngày 10-15/4 nên người dân không thể sử dụng nhà văn hóa xã làm nơi tổ chức buổi lễ, theo lời cụ Bùi Viết Hiểu, một đại diện của người dân xã Đồng Tâm.


Cụ Hiểu, 76 tuổi, cho VOA biết công an đã ngăn cản báo chí về xã đưa tin và có ý định “gây sự, bắt bớ” nếu số lượng người trong xã dự buổi lễ là dưới 200 người. VOA cố gắng liên lạc với công an để xác nhận thông tin này, song không có hồi đáp.


Trên thực tế, việc gây sự, bắt bớ đã không diễn ra vì buổi lễ diễn ra “tốt đẹp” với rất đông người tham gia, cụ Hiểu cho biết.


Sự kiện Đồng Tâm nổ ra hôm 15/4/2017, khi chính quyền Hà Nội tìm cách thu hồi 59 hectare đất ở xã này để giao cho tập đoàn nhà nước Viettel làm dự án, người dân đã chống trả, giữ lại 20 nhân viên cảnh sát, và “đóng cửa” làng trong nhiều ngày.


Sau một tuần, người dân xã đã thả số người bị cầm giữ khi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết bằng văn bản không truy tố người dân.


Cuối tháng 7 cùng năm, thanh tra thành phố Hà Nội đưa ra kết luận rằng toàn bộ vùng đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, mà người dân có tranh chấp với nhà nước, là đất quốc phòng. Người dân Đồng Tâm phản đối kết luận này. Kể từ đó đến nay, vụ tranh chấp đất vẫn chưa được giải quyết cụ thể.


Trong diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, được truyền trực tiếp trên Facebook hôm 15/4/2019, cụ Hiểu khẳng định “phần thắng đã thuộc về công lý, lẽ phải” khi người dân Đồng Tâm “đánh bại” ý đồ cướp đất mà “bọn tham nhũng” muốn thực hiện với lực lượng gồm hơn 700 người của quân đội, công an, trong đó có nhiều lính tinh nhuệ.


Cụ Hiểu mô tả những quan chức chính quyền tham nhũng là “bọn giặc nội xâm nguy hiểm nhất” trong bài phát biểu của mình.


Một lần nữa, thông qua diễn văn, cụ Hiểu nhấn mạnh người dân Đồng Tâm yêu cầu thanh tra Hà Nội hủy bỏ kết luận “sai trái, dối trá”. Đồng thời, cụ cho biết rằng việc “khiếu nại, kêu oan” của người dân Đồng Tâm tới “đảng, nhà nước, quốc hội” đã kéo dài 6, 7 năm nay, nhưng đến nay người dân chỉ nhận lại “sự im lặng”.


Cụ nói thêm trong bài phát biểu:


“Nhân dân xã Đồng Tâm [đã] rất tin tưởng vào đảng, coi đây là chỗ dựa vững chắc, là niềm hy vọng cuối cùng. Nhưng lâu quá, chỗ dựa lại bị lung lay, mối nghi ngờ càng ngày càng lớn, sự tin tưởng của người dân càng ngày càng giảm dần”.


Trong sự kiện người Đồng Tâm đấu tranh giữ đất hồi năm 2017, cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh của người dân khi đó 82 tuổi, đã bị đánh gãy xương đùi và bị bắt giữ cùng một số người dân khác. Cụ Kình cáo buộc rằng người đánh cụ là một sĩ quan công an.


Phía chính quyền không lên tiếng xác nhận hay phủ nhận cáo buộc của cụ Kình. Trong thời gian cụ điều trị thương tật, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, một thứ trưởng công an, và giám đốc công an thành phố đã tới thăm cụ, theo tường thuật của báo chí trong nước ở thời điểm đó.


Phát biểu tại lễ kỷ niệm vừa diễn ra, cụ Hiểu cho biết đến nay cụ Kình nói riêng và người dân Đồng Tâm nói chung “chưa được một nửa lời xin lỗi”.


Trả lời phỏng vấn của VOA, cụ Hiểu nói về những điều người dân đòi hỏi thông qua buổi lễ kỷ niệm:


“Thứ nhất là Viettel không được phép giao đất vì đất đó chưa có quyết định thu hồi, vẫn là đất nông nghiệp của dân. Thứ hai là báo với chính phủ, nhà nước phải giải quyết dứt điểm về đất cho xã Đồng Tâm đi, không để dây dưa được, để bọn Hà Nội cố tình ăn cắp, lấy mất”.


Hồi tháng 6/2017, sau khi biến cố Đồng Tâm xảy ra, luật sư Trần Vũ Hải, một trong số 5 đại diện pháp lý của người dân Đồng Tâm, giải thích với VOA rằng nguồn gốc sâu xa của tranh chấp là một quyết định của thủ tướng Việt Nam năm 1980, cấp 208 hectare đất cho Bộ Quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn.


Vùng đất được cấp khi đó thuộc một tỉnh có tên cũ là Hà Sơn Bình, nay thuộc về Hà Nội. Các luật sư nói cho đến nay họ chưa tìm thấy văn bản chính thức nào xác định ranh giới và tọa độ của khu đất 208 ha.


Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA rằng người dân xã Đồng Tâm về cơ bản, chấp nhận quyết định của thủ tướng giao đất làm sân bay Miếu Môn.


Tuy nhiên, theo ông Hải, người dân phản đối sự “lập lờ, nhập nhèm” của phía quân đội trong việc lấy 59 ha đất nông nghiệp dưới chiêu bài “sử dụng cho mục đích quốc phòng”.


Ông Hải nói người dân Đồng Tâm khẳng định 59 ha đất thuộc khu Đồng Xênh là đất nông nghiệp của họ “từ bao đời nay”, hoàn toàn không thuộc 208 ha đất kể trên.


Nhưng 59 ha đất này giáp với một khu đất khác có diện tích hơn 47 ha đã được tỉnh Hà Sơn Bình cũ giao cho Bộ Quốc phòng như là một phần của 208 ha. Người dân Đồng Tâm cho rằng một số cán bộ địa phương “lập lờ” về hai khu đất này trong các báo cáo, khiến cho nhà chức trách cấp cao hơn “nhầm lẫn” rằng khu đất người dân khiếu kiện cũng trùng với khu đất hơn 47 ha.


Tranh chấp đất đai giữa người dân với các tổ chức nhà nước ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối trong hàng chục năm qua, gây ra nhiều vụ phản kháng, thậm chí bằng bạo lực hay tự sát, cũng như dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện đông người và kéo dài.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Viet Nam - Vietnam News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1007 guests

cron