Page 1 of 1

Dân Venezuela tìm cách chống chọi nạn đói và lạm phát

PostPosted: Wed Mar 20, 2019 8:07 pm
by NewsReporter
VOA - Vietnam News


Francibel Contreras đưa ba đứa con suy dinh dưỡng đến một bếp nấu súp ở khu ổ chuột nguy hiểm Petare nằm trên đồi ở thủ đô Caracas. Các cháu múc những muỗng cơm với trứng tráng trong bữa ăn có lẽ là duy nhất trong ngày.


Từ bếp ăn thiện nguyện giữa lòng một trong những khu ổ chuột lớn nhất ở Mỹ Latin này có thể thấy được phần nào thảm họa cuộc sống hàng ngày ở nước Venezuela xã hội chủ nghĩa. Nhà bếp này cung cấp bữa ăn cho hàng chục trẻ em cũng như những bà mẹ thất nghiệp không còn khả năng nuôi dưỡng con mình nữa.


Một số người Venezuela vẫn có thể chịu đựng được sự suy sụp kinh tế bằng cách bám víu vào số lượng ngày càng ít những công việc có lương đàng hoàng hay bằng cách nhận hàng trăm ngàn đô la mà bạn bè và người thân ở nước ngoài gửi về - một con số đã tăng vọt trong những năm gần đây khi hàng triệu người Venezuela rời bỏ đất nước ra đi.


Tuy nhiên ngày càng nhiều dân chúng trên cả nước, nhất là ở những khu ổ chuột như Petare, phải vật lộn để sinh tồn.


Chồng của cô Contreras, anh Jorge Flores, từng có một quầy hàng ở ngôi chợ địa phương bán những mặt hàng như chuối, trứng và thịt, cố gắng vớt vát được chút đồng lời ở một đất nước mà tình trạng siêu lạm phát khiến chi phí đội lên gấp đôi từ ngày này sang ngày khác. Rồi sau đó anh bị một băng cướp vườn chĩa súng vào đầu cướp hết tiền. Sau đó em trai anh còn làm hỏng chiếc xe gắn máy dùng để đi lấy hàng trong một vụ tông xe.


Do đó Flores phải bỏ quầy hàng ở chợ để tìm công việc khác. Anh đi sửa ống nước và gia đình anh đã biến phòng khách thành tiệm hớt tóc nằm dưới chiếc mái kim loại gợn sóng. Nó được trang trí bằng những ngôi sao xếp giấy mà gia đình anh làm từ những tờ tiền bolivar sặc sỡ và phá giá nhanh chóng của Venezuela.


“Đồng tiền của chúng tôi vô giá trị,” Contreras nói. “Vào những ngày này, tôi chẳng thà trao đổi một túi bột để làm móng hay cắt tóc.”


Sữa, thuốc men và những nhu yếu phẩm khác – cùng với tình trạng bạo lực hàng ngày – đã làm xói mòn sự ủng hộ dành cho Tổng thống Nicolas Maduro theo đường lối xã hội chủ nghĩa thậm chí ở những khu vực nghèo khó như Petare vốn từng là thành trì ủng hộ ông. Ông Maduro nói rằng có âm mưu do phe đối lập lãnh đạo để lật đổ ông và rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và sự phá hoại của phe đối lập chính là nguyên nhân làm kinh tế sụp đổ.


Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Maduro vẫn được sự ủng hộ của khoảng 1/5 dân số mà nhiều người trong số họ là những người trung thành về lý tưởng, những người bên trong chính quyền hay có liên hệ với chính quyền hay những cử tri nghèo phải dựa vào trợ cấp của chính phủ, trong đó có những thùng dầu, bột, gạo, mì và cá hộp và những mặt hàng được cấp một vài lần trong năm.


Gia đình bốn người của Contreras nhận lấy những thùng hàng này nhưng vẫn không đủ để sống qua ngày trong thời gian dài. Trong nhiều tháng, họ chỉ dựa vào những bếp nấu súp do các chính trị gia đối lập mở để có thực phẩm cho con cái. Đứa con trai 7 tuổi của cô chơi bóng đá ở những con phố dốc đầy bụi trước nhà trong khi chồng cô đang tập làm tóc cho mẹ.


“Tôi khó mà sống qua ngày,” anh Flores nói với chiếc kéo trên tay.


Đợt cúp điện kéo dài 4 ngày làm hầu hết Venezuela ngưng trệ càng khiến cho gia đình Flores thêm khốn khổ. Anh không thể dùng bàn tỉa điện để tỉa tóc cho khách hàng theo kiểu mà họ muốn.


“Nó ảnh hưởng trầm trọng đến chúng tôi,” anh nói. “Anh bắt buộc phải dùng đến bàn tỉa.”


Hai vợ chồng ước tính vụ cúp điện khiến gia đình ông mất số tiền tương đương 11 đô vì khách hàng không đi hớt tóc – một số tiền lớn ở một đất nước mà mức lương tối thiểu chỉ có 6 đô một tháng, ngay cả khi đa số người dân kiếm thêm thu nhập bằng cách làm công việc phụ và đi gom góp từ bạn bè hay hàng xóm.


Contreras và Flores lấy 2.500 bolivar – tức khoảng 70 cent – cho mỗi lần tỉa. Một ký bột được chính phủ trợ giá có giá gần gấp ba lần. Contreras nói rằng người dân xếp hàng dài vô tận để nhận hàng trợ cấp và đôi khi cô phải trở về trắng tay. Cô cũng nói rằng cô cảm thấy bất an khi xếp hàng. Hàng chục người đã thiệt mạng vì bị đạn lạc trong những vụ đấu súng của các băng đảng trong những năm qua, và một số người còn bị giẫm đạp đến chết khi dòng người xếp hàng trở nên tuyệt vọng cướp bóc hàng hóa chen lấn giẫm đạp lên nhau.


Người hàng xóm sát vách của cô, cô Dugleidi Salcedo, gửi đứa con gái bốn tuổi đến sống chung với người dì ở thành phố Maracay nằm cách đó hai giờ lái xe bởi vì cô không còn đủ khả năng nuôi con nữa. “Mấy đứa con trai của tôi khóc,” người mẹ đơn thân bốn con nói. “Nhưng chúng phản ứng mạnh hơn con gái khi tôi nói với chúng rằng không còn thức ăn nữa.


Trở về từ bếp nấu súp, cô mở cánh cửa sét gỉ để bước vào nhà giữa những bức tường màu bạc hà loang lổ. Trong nhà, đứa con trai Daniel 11 tuổi của cô, vốn bị bại liệt một phần từ khi sinh ra và bị khuyết tật về phát triển, nằm trên một chiếc ghế bành bẩn trong khi ruồi bay trên đôi chân cong vòng không có gì che chắn của em.


Khi cô mở nắp hộp nhựa để trưng ra túi bột cuối cùng của cô, một con gián bò ra khiến cô nhảy lùi và hét lên.


“Ở đây khổ quá,” cô nói. “Tôi không có việc làm. Tôi không có đồng nào hết.”


Cô Salcedo từng bán hàng nướng và nước trái cây cho hàng xóm từ cửa sổ căn bếp. Sau đó, tủ lạnh nhà cô bị hỏng mà cô không đào đâu ra tiền để sửa.


Những ngày này, cô dựa vào lòng tốt của láng giềng, hay hỏi mượn tiền một người bạn có một cửa hàng thực phẩm nhỏ trong khi cô đang đợi người thân ở những nơi khác của Venezuela cho mượn tiền.


“Đất nước này chưa bao giờ lâm vào cảnh khổ như vậy,” người phụ nữ 28 tuổi này nói. “Mua được một chút gạo hay bột lại khó khăn, đắt đỏ như vậy và nhiều khi họ không còn chút hàng nào.”


Một vài ngày sau, trộm đột nhập vào bếp nấu súp và trộm thực phẩm, Sau đó, một trận hỏa hoạn bùng phát ở khu ổ chuột, thiêu rụi 17 căn nhà. Nguyên nhân là có nhà thắp nến khi đợt cúp điện xảy ra – điều xảy ra gần như hàng ngày ở nhiều nơi trên đất nước Venezuela. Nghị sỹ đối lập Manuela Bolivar, chủ dự án Nodriza duy trì căn bếp này, nói rằng khi lính cứu hỏa đến, họ thiếu nước và phải dùng đất cát để dập lửa.


“Đó là động đất xã hội,” bà Bolivar lên án. “Họ đã mất nhà. Họ phải ở ngoài trời. Bếp nấu súp thì bị cướp. Có quá nhiều gian truân: bệnh truyền nhiễm, thiếu nước và thiếu thực phẩm.”


Tại một chợ trời nằm cách Petare một khoảng ngắn ở khu vực trung lưu Los Dos Caminos, bà Carmen Gimenez đi mua cà rốt và các loại rau củ khác để làm nồi hầm. Khi đứa con gái 14 tuổi của bà hỏi mẹ sao không mua thêm vài thứ nữa, bà nói với con rằng gia đình chỉ mua những thứ thiết yếu nhất thôi.


Mặc dù bà có công việc ở ngân hàng, bà vẫn chật vật sống đắp đổi qua ngày.


“Anh ở đâu không quan trọng. Nhu cầu của ai cũng vậy thôi,” bà Gimenez, 43 tuổi, nói.


“Người giàu, người nghèo và người trung lưu – tất cả chúng tôi đều phải gánh chịu bởi vì chính phủ kéo tất cả chúng tôi đi xuống,” bà nói trong giận dữ. “Làm sao họ chi phối được chúng tôi? Thông qua bao tử.”