Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: cuộc chiến cam go
Thỏa thuận hay không thỏa thuận? Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – đang bước vào giai đoạn quyết định.
Tuy nhiên, dấu hiệu trái ngược từ Nhà Trắng và Bắc Kinh đang khiến các phân tích gia đặt dấu hỏi liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chốt được một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại tốn kém vào trước tháng Tư như dự đoán từ lúc đầu hay không.
Phát ngôn nhân Nhà Trắng Sarah Sanders hôm 11/3 đã nói với các phóng viên rằng hai bên vẫn chưa định được ngày họp thượng đỉnh để ký kết giữa ông Trump và ông Tập. Trong khi đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói trên kênh Fox News rằng các cuộc đàm phán ‘đang có tiến bộ lớn’.
Tuy nhiên, hồi tuần trước phía Trung Quốc đã hủy kế hoạch công du của ông Tập đến Mar-a-Lago, khu nghỉ mát của ông Trump ở Florida, vào đầu tháng 4 để tham dự lễ ký kết. Điều này đã khiến cho nhiều người nghi ngờ rằng liệu thỏa thuận thật là sắp có hay không. Bản thân ông Trump đã liên tục ca ngợi những tiến bộ đàm phán nhưng cũng cảnh báo rằng ông có thể rút ra các cuộc đàm phán nếu ông kết luận rằng ông sẽ không đạt được thỏa thuận đủ thỏa mãn.
“Tổng thống sẽ ký vào thỏa thuận nếu nó phục vụ lợi ích tốt nhất của người Mỹ,” bà Sanders nói. “Nếu ông ấy không cảm thấy rằng đó là thỏa thuận tốt thì không đáng đặt bút ký vào một mảnh giấy.”
Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước là hết sức quan trọng với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 là 710 tỷ đô la, theo văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ. Giao thương song phương giúp hỗ trợ 911.000 việc làm ở Mỹ.
Nhưng ý nghĩa chính trị đối với hai nhà lãnh đạo cũng lớn như giá trị kinh tế. Cả ông Trump lẫn ông Tập đều phải có được nhượng bộ lớn từ đối phương. Có như vậy thì các cuộc đàm phán mới có thể kết thúc thành công, các phân tích gia cho hay.
“Nếu một thỏa thuận cuối cùng cũng đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại thì đó chắc chắn sẽ là một kết quả cùng thắng,” bà Mai Tân Dục, nhà nghiên cứu tại Viện Thương mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, nhận định. “Nếu một bên thắng mà bên kia lại thua thì không thể có thỏa thuận.”
Ông Trump vừa bước ra khỏi một hội nghị thượng đỉnh thất bại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khiến cho lời tuyên bố của ông về tài đàm phán của ông bị ảnh hưởng nặng nề.
Mặc dù Nhà Trắng lâu nay vẫn ca ngợi quyết định của Tổng thống Trump áp thuế lên một loạt hàng hóa của Trung Quốc để đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán, các nhà kinh tế đã phát hiện ra rằng toàn bộ gánh nặng thuế má này là người tiêu dùng và nhà sản xuất của Mỹ phải gánh chịu khi họ phải trả chi phí cao hơn trong khi nông dân Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt với những đòn đánh thuế trả đũa vào nông sản Mỹ.
Thêm vào đó, trong tuần qua, chính quyền Trump đã nhận được hai tin xấu về kinh tế. Bộ Lao động cho biết con số tăng trưởng việc làm trong tháng 2 là ‘thấp không ngờ’. Trước đó, Bộ Thương mại cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong lịch sử vào năm 2018 với 891 tỷ đô la.
Trong khi Chủ tịch Tập hiện không gặp phải thách thức nào lớn đối với sự lãnh đạo của ông ở Trung Quốc – trên thực tế ông ta có thể làm chủ tịch đến suốt đời – nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường chứng khoán bị lao đao vì tác động của cuộc chiến thương mại khiến việc đạt được thỏa thuận cũng là một ưu tiên đối với ông cũng như đối với ông Trump.
Đạt một thỏa thuận với ông Trump với cam kết mua thêm nhiều hàng hóa nông nghiệp và chế tạo của Mỹ sẽ là ‘điều dễ dàng nhất’ mà phía Trung Quốc có thể làm ‘bởi vì họ không buộc phải có những thay đổi nội tại trong nền kinh tế của họ’, ông William Reinsch thuôc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói.
Thành công hay thất bại của ông Trump trong cuộc thương thảo này được đo lường phần lớn bằng những thay đổi mang tính hệ thống mà ông đạt được từ chính phủ Trung Quốc để tạo cho Mỹ ưu thế cạnh trạnh lớn hơn trong tương lai – nhưng điều đó không hề dễ dàng.
“Do đó những con số lớn có thể khiến ông Trump tập trung nhiều hơn vào việc Trung Quốc mua hàng Mỹ nhiều hơn trong khi ít để ý đến những vấn đề gai góc hơn mà Mỹ đòi hỏi, ông Reinsch nói thêm.
Không có thỏa thuận nửa vời
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều cho rằng đây là một kết quả khả dĩ. Ông Erin Ennis, phó giám đốc điều hành Hội đồng thương mại Mỹ-Trung, nói rằng cả hai nước đều không có động cơ chấp nhận một thỏa thuận nửa vời.
“Cả hai phía đều không quan tâm đến việc nhượng bộ chỉ vì cần nhượng bộ,” ông Ennis nói. “Trong nhiều cách, quan ngại được nêu lên ở Mỹ về việc Tổng thống Trump chấp nhận một thỏa thuận yếu là những thông điệp thật ra đang được lên tiếng ở Trung Quốc về việc Chủ tịch Tập có thể chấp nhận một thỏa thuận yếu. Cả hai nước đều không có bất cứ động cơ nào để đồng ý một thỏa thuận mà không có ít nhất cái gì đó phục vụ cho lợi ích của họ.”
Hoa Kỳ tiếp nhận đến 19% tổng số hàng xuất khẩu của Trung Quốc, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Điều này có nghĩa là sức khỏe trong ngắn hạn của kinh tế Trung Quốc tùy thuộc vào khả năng những nhà sản xuất của nước này có thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hôm 7/3, có tin rằng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 thấp hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả hai nhóm đàm phán Mỹ và Trung Quốc đều đi trên con đường quen thuộc khi họ bàn bạc một thỏa thuận. Nhiều lời than phiền mà chính quyền Trump tìm cách giải quyết đã được nhiều đời tổng thống Mỹ nêu lên với phía Trung Quốc trong nhiều năm.
Chẳng hạn như Trung Quốc có lịch sử lâu dài và rõ ràng về những vụ phớt lờ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty và cá nhân nước ngoài. Các doanh nghiệp Mỹ đã liên tục than phiền về việc các công ty Trung Quốc ăn cắp bí mật công nghệ vốn được Nhà nước hỗ trợ. Bất cứ thỏa thuận nào không ràng buộc Trung Quốc phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nhìn nhận rộng rãi là thất bại của chính quyền Trump.
Một vấn đề nữa cũng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ là ‘ép buộc chuyển giao công nghệ’. Đối với nhiều công ty nước ngoài, giao nộp dữ liệu về các công nghệ và sáng chế mà họ sở hữu đã trở thành một yêu cầu trên thực tế nếu họ muốn hoạt động trên thị trường Trung Quốc. Các nhà đàm phán Mỹ đang tìm cách chấm dứt cách làm này.
Quốc hội Trung Quốc được cho là đang soạn thảo luật giải quyết những quan ngại về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các nhà đàm phán Trung Quốc muốn thấy dấu hiệu cam kết về cơ chế thực thi ngoài việc chỉ đơn thuần thông qua một đạo luật.
Một trong những hố sâu lớn nhất giữa Bắc Kinh và Washington là sự can dự của chính phủ vào nền kinh tế. Trong khi chính quyền Mỹ nhìn chung để cho các doanh nghiệp tự thân vận động trong khuôn khổ luật pháp và các quy định hiện hành thì chính phủ Trung Quốc đóng một vai trò tích cực hơn.
Bắc Kinh sở hữu trực tiếp nhiều tập đoàn và trợ cấp công nghiệp cho các tập đoàn khác. Mặc dù phía Mỹ cho rằng điều này tạo ra sân chơi không bình đẳng, Trung Quốc biện hộ rằng chúng là cần thiết để đưa nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc bước vào kỷ nguyên hiện đại bằng cách nhanh chóng xây dựng những ngành công nghiệp giá trị cao.
Vấn đề là, theo ông Jeffrey Schott, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, Bắc Kinh và Washington có khung thời gian rất khác nhau về việc này.
“Nó không thể nào xảy ra trong khung thời gian mà phía Mỹ mong muốn bởi vì họ - nhất là Tổng thống Trump – muốn nó được phê chuẩn ngay lập tức,” ông Schott cho biết. “Lợi ích của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là chuyển tiếp từ từ…nhưng họ sẵn sàng có tầm nhìn lớn hơn các chính trị gia Mỹ bởi vì các lãnh đạo Mỹ phải giải trình trước cử trị của họ trong khi lãnh đạo Trung Quốc thì không.”
Các nhà đàm phán Mỹ cũng muốn Trung Quốc rút lại những quy định hạn chế vốn khiến cho các doanh nghiệp Mỹ khó mà hoạt động ở Trung Quốc, nhất là các quy định hạn chế cổ phần sở hữu của các công ty và cá nhân nước ngoài.
Do Trung Quốc có lịch sử thao túng giá trị đồng nội tệ của họ, đồng nhân dân tệ, các nhà đàm phán Mỹ cũng sẽ tìm kiếm những đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không hạ giá đồng nhân dân tệ một cách nhân tạo so với đồng đô la để giúp cho hàng xuất khẩu Trung Quốc có giá rẻ hơn các mặt hàng tương tự từ các đối thủ cạnh tranh khác.
Cũng rất quan trọng đối với Mỹ là cơ chế thực thi để đảm bảo rằng Trung Quốc thật sự có những bước đi mà họ cam kết trong quá trình đàm phán. Vấn đề này phức tạp hơn mọi người tưởng bởi vì nó sẽ đòi hỏi chính quyền Trung Quốc cho phép một mức độ giám sát của nước ngoài đối với sự can dự của họ vào các ngành kỹ nghệ trong nước – một mức độ minh bạch ít khi thấy trong mối quan hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài.
Cuối cùng, bất cứ thỏa thuận nào cũng phải có điều khoản mà theo đó chính phủ Trung Quốc đồng ý mua thêm các hàng hóa Mỹ như đậu nành hay khí thiên nhiên hóa lỏng để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Xét về phương diện kinh tế thì thỏa thuận như thế không tạo ra khác biệt gì lớn đối với kinh tế Mỹ trong ngắn hạn ngoại trừ các nhà cung cấp bị sụt giảm doanh số do thuế quan sẽ khôi phục lại mức độ như trước. Đậu nành hay khí thiên nhiên hóa lỏng mà Trung Quốc mua thêm sẽ chẳng tạo ra thêm cơ hội sản xuất mới cho Mỹ mà chỉ là thay đổi về người mua mà thôi.
Do Tổng thống Trump đã bỏ rất nhiều công sức trong việc khiến cho thâm hụt thương mại với Trung Quốc là một biểu tượng chính trị, sẽ ít có khả năng ông đồng ý ký một thỏa thuận mà không cho phép ông tuyên bố chiến thắng trên vấn đề đó.
Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi quan trọng hơn mang tính hệ thống về tập quán kinh tế và thương mại của Trung Quốc thì nước Mỹ sẽ quay trở lại tình hình như trước, ông Derek Scissors, một nghiên cứu viên thường trú của Viện American Enterprise Institute, cho biết.