Ý đồ của Bình Nhưỡng khi xây lại bãi phóng tên lửa
Triều Tiên đã bắt đầu xây lại các cơ sở mà họ sử dụng để phóng vệ tinh vào quỹ đạo và thử nghiệm động cơ cũng như các công nghệ khác cho chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của họ, theo các nhà phân tích quân sự Mỹ và các quan chức tình báo Hàn Quốc.
Tiết lộ này được đưa ra vài ngày sau khi cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội, Việt Nam, sụp đổ. Đó có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị kết thúc lệnh tạm ngưng các cuộc thử tên lửa vốn được ông Trump xem là một thành tích ngoại giao quan trọng.
Triều Tiên đã bắt đầu tháo dỡ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri gần biên giới tây bắc với Trung Quốc hồi mùa hè vừa qua, sau khi ông Kim có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump hồi tháng 6 ở Singapore. Họ đã dỡ bỏ một phần khu thử động cơ, bệ phóng tên lửa và một tòa nhà nơi các kỹ sư sử dụng để lắp ráp các phương tiện phóng và đưa chúng đến bãi phóng.
Tuy nhiên, Triều Tiên không hề phá dỡ hoàn toàn cơ sở này và khi ông Kim gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9, ông đã hứa sẽ phá hủy chúng trước sự hiện diện của các chuyên gia Mỹ.
Tuy nhiên lời hứa hẹn đó giờ đây đã trở nên đáng nghi ngờ sau khi cuộc gặp thứ hai giữa ông Kim và ông Trump ở Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Ở Hà Nội, ông Kim đã yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc để đổi lấy việc tháo dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon nằm ở phía bắc Bình Nhưỡng cũng như các cơ sở ở Tongchang-ri. Ông Trump đã bác bỏ yêu cầu đó, và cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận là cái giá quá đắt để đổi lại những bước tiến một phần hướng đến phi hạt nhân hóa.
Mặc dù khu phức hợp Yongbyon đã từng được sử dụng để sản xuất năng lượng cho bom hạt nhân, Triều Tiên được tin là có các cơ sở sản xuất nhiên liệu ở nơi khác cũng như vật liệu phân hạch, đầu đạn hạt nhân và tên lửa mà họ đang cất giấu ở những địa điểm bí mật.
Các phân tích gia đang tự hỏi bước tiếp theo của ông Kim sẽ là gì sau khi cuộc gặp ở Hà Nội đổ vỡ. Trong bài diễn văn năm mới, ông Kim đã từng cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ tìm ‘con đường mới’ nếu Mỹ cứ một mực duy trì các lệnh cấm vận.
Tin tức về việc khôi phục lại cơ sở Tongchang-ri được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Kim Jong Un về nước hôm 5/3 sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.
Phát biểu trước các đại biểu Quốc hội trong phòng họp kín hôm 5/3 ở Seoul, các quan chức Sở Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho thấy Triều Tiên đang xây dựng lại bãi phóng Tongchang-ri thậm chí trước thượng đỉnh ở Hà Nội, truyền thông Hàn Quốc đưa tin hôm 6/3.
Ông Kim Jong-un đã thị sát Tongchang-ri hồi năm 2017. Một động cơ mà các kỹ sư thử nghiệm vào lúc đó được tin là đã được sử dụng trong các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Bình Nhưỡng phóng đi vài tháng sau đó.
Triều Tiên có lẽ muốn xây dựng lại cơ sở này để cho sau này nếu họ cần tháo dỡ nó trong trường hợp họ đạt được thỏa thuận với Mỹ ở Hà Nội thì việc tháo dỡ sẽ gay cấn hơn, các quan chức tình báo Hàn Quốc được dẫn lời nói. Hoặc là họ muốn có lựa chọn khôi phục lại các vụ thử tên lửa nếu cuộc đàm phán ở Hà Nội sụp đổ, họ nói them.
Triều Tiên đã không tiến hành bất cứ vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào kể từ tháng 11 năm 2017. Ông Trump gọi đó là thành tích chủ yếu của chính sách trừng phạt cứng rắn của ông mà ông cho là đã buộc Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Hà Nội hồi tuần trước, ông Trump cho biết ông Kim đã hứa không nối lại các vụ thử tên lửa hay hạt nhân. Sau đó, Hoa Kỳ đã hủy hai cuộc tập trận chung ở quy mô lớn với Hàn Quốc để hỗ trợ con đường ngoại giao với ông Kim.
Cơ sở thử Tongchang-ri có vai trò trọng yếu đối với chương trình tên lửa và không gian của Triều Tiên. Họ đã sử dụng cơ sở này để phóng những tên lửa mang theo vệ tinh. Mỹ đã gọi chương trình vệ tinh này là vỏ bọc để phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Các tin tức hôm 5/3 về việc xây dựng lại cơ sở Tongchang-ri là dựa trên những hình ảnh vệ tinh chụp trước đó vài ngày nhưng các chuyên gia cho rằng công việc này có thể đã khởi động sớm như vào giữa tháng Hai.
“Dựa trên hình ảnh vệ tinh thương mại, các nỗ lực tái xây dựng những cấu trúc này bắt đầu vào khoảng thời gian giữa 16/2 và 2/3 năm 2019,” trang mạng 38 độ Bắc chuyên phân tích các vấn đề Triều Tiên, cho biết trong một báo cáo về cơ sở Tongchang-ri.
Bên kia Vĩ tuyến, một trang web do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington điều hành, đã công bố một báo cáo với những nhận xét tương tự hôm 5/3.
“Các hình ảnh vệ tinh thương mại chụp được vào ngày 2/3 năm 2019 cho thấy Triều Tiên đang nhanh chóng xây dựng lại bãi phóng tên lửa tầm xa,” họ cho biết. Hành động này ‘có thể cho thấy Triều Tiên muốn thể hiện quyết tâm’ sau thượng đỉnh Hà Nội, cũng theo trang web này.
Về mặt chính thức, Triều Tiên nói không cần thực hiện các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa nữa bởi vì họ đã hoàn tất việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân và bắt đầu sản xuất hàng loạt. Nhưng các quan chức và các phân tích gia phương Tây nghi ngờ việc nước này đã có thể làm chủ được các công nghệ cần thiết để có thể dùng tên lửa tấn công một mục tiêu ở bên kia đại dương một cách đáng tin cậy.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore với ông Trump, ông Kim đã đưa ra cam kết mơ hồ rằng ông ‘sẽ làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên’. Tuy nhiên, kể từ đó Bình Nhưỡng đã không chịu có những hành động cụ thể để giải tỏa các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ trong khi chỉ trích điều mà họ gọi là ‘yêu cầu đơn phương mang tính côn đồ’ của Washington về giải trừ hạt nhân và khăng khăng rằng họ sẽ không phi hạt nhân hóa trừ phi phía Mỹ có những bước đi ‘thích ứng’.