Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 4/8 yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép với chính quyền Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, ngay trước khi diễn ra cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ 8 tại Brussels trong cùng ngày.
Trong thông cáo báo chí gửi ra ngày 4/8, tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết đã gửi một tờ trình đến EU, yêu cầu Liên minh châu Âu gây sức ép để Việt Nam thả ngay các tù nhân và những người bị tạm giam vì lý do chính trị, chấm dứt đàn áp các quyền tự do ngôn luận, hội họp và đi lại, cho phép tự do thông tin, ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn nạn công an bạo hành.
Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ra sức vận động và đặt nhiều hy vọng vào việc Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ được Hội đồng châu Âu phê chuẩn vào tháng 2 và Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào tháng 3 để có thể có hiệu lực vào giữa năm 2019.
Đây là hiệp định mà Hà Nội đã bỏ nhiều công sức để mong sớm đạt được, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến hiệp định này rơi vào tình trạng bất định.
Hồi cuối tháng 1, các thành viên Nghị viện châu Âu đã thông báo việc hoãn phê chuẩn EVFTA, viện dẫn “lý do kỹ thuật”, nhưng lại có hàm ý liên quan đến vấn đề nhân quyền.
“EU cần nhắc Việt Nam rằng mình đang trông đợi các bước cải thiện nhân quyền có ý nghĩa để có thể đẩy mạnh các mối quan hệ song phương về kinh tế và chính trị”, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của HRW, nói trong thông cáo ngày 4/3.
Tổ chức này cho biết trong năm 2018, Việt Nam đã kết án và bỏ tù ít nhất 42 blogger và nhà hoạt động nhân quyền, gần gấp 3 lần con số của năm 2017. Nhiều nhà hoạt động đã bị bỏ tù với mức án nặng nề, chưa từng có trước đó như nhà hoạt động Lê Đình Lượng với 20 năm tù, Lưu Văn Vịnh 15 năm tù, Hoàng Đức Bình 14 năm tù…
HRW nói chính quyền Việt Nam đã trấn áp những người bất đồng chính kiến “một cách có hệ thống” bằng các điều khoản hà khắc trong Bộ Luật Hình sự, cho phép giam giữ người bị tình nghi phạm tội về “an ninh quốc gia” mà không cho tiếp xúc với luật sư và trong thời hạn bất định.
Việt Nam luôn khẳng định không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, mà chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật.