Ít ngày trước khi Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm Việt Nam và họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội trong tuần cuối của tháng 2, cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam David Shear mới đây dành cho VOA cuộc phỏng vấn riêng, trong đó ông đưa ra những nhận định về cách tiếp cận của từng bên liên quan đến sự kiện sắp diễn ra được xem là có tầm quan trọng lịch sử.
Trả lời câu hỏi của phóng viên VOA về mục tiêu mà ông Kim Jong Un nhắm đến là gì, cựu Đại sứ Shear lưu ý rằng hiện Triều Tiên đang đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc, vốn là những biện pháp thực sự chặn đứng con đường phát triển của Triều Tiên cho đến khi họ phi hạt nhân hóa đủ để Mỹ và Hội đồng Bảo an LHQ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Vì vậy, theo ông Shear, lãnh tụ của Triều Tiên “muốn các biện pháp trừng phạt được giảm bớt hoặc dỡ bỏ”.
Bên cạnh đó, ông Kim cũng muốn “đạt được thỏa thuận hòa bình với Mỹ, nước có vai trò chính, cũng như với Hàn Quốc, và điều đó mở đường cho việc các lực lượng Mỹ rút khỏi Hàn Quốc”, ông Shear, người cũng từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với VOA.
Bình luận về việc vị lãnh đạo Triều Tiên đồng ý gặp nguyên thủ Mỹ ở Hà Nội, thay vì ở Đà Nẵng như một số nguồn tin Mỹ tiết lộ ban đầu, ông David Shear, nhà ngoại giao cao cấp đã nghỉ hưu của Mỹ, nói “lý do chính” mà Triều Tiên muốn tiến hành cuộc họp ở thủ đô của Việt Nam là vì “họ có đại sứ quán ở Hà Nội”.
“Phía Triều Tiên thích sự tiện lợi và an ninh dành cho họ”, ông Shear nói thêm với VOA.
Ngoài ra, vị cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ hình dung rằng có thể có một lý do sâu xa về việc ông Kim thích nơi họp ở Việt Nam, đó là cuộc chiến trong quá khứ giữa Việt Nam với Mỹ cách nay xấp xỉ 5 thập kỷ.
Ông Shear nói: “Tôi dám chắc rằng việc một đất nước bị chia cắt và miền bắc đã chiến thắng là một điều nằm trong tâm trí của ông Kim Jong Un, nhưng chúng ta hãy đối mặt với điều đó”.
Từ góc nhìn của Tổng thống Trump, Việt Nam thể hiện là một quốc gia cộng sản đã chuyển đổi một phần thành tư bản. Vì vậy, ông ấy sẽ muốn ông Kim Jong Un thấy được lợi ích của việc Việt Nam đã làm như vậy.
Trong khi đó, với hiểu biết của người từng là đại diện cao nhất cho tổng thống và chính sách đối ngoại Mỹ ở nước ngoài, cựu Đại sứ Shear phân tích với VOA về nguyên nhân mà người đứng đầu nước Mỹ muốn Việt Nam là nước chủ nhà của cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với ông Kim Jong Un.
Ông Shear nói: “Từ góc nhìn của Tổng thống Trump, Việt Nam thể hiện là một quốc gia cộng sản đã chuyển đổi một phần thành tư bản. Vì vậy, ông ấy sẽ muốn ông Kim Jong Un thấy được lợi ích của việc Việt Nam đã làm như vậy”.
Nói cụ thể về quan hệ song phương Mỹ-Việt, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Shear khẳng định: “Chắc chắn có những lợi ích chung rất mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam muốn có quan hệ kinh tế, thương mại mạnh mẽ và lành mạnh, cho dù Tổng thống Trump chắc chắn đã nêu ra quan điểm của ông với phía Việt Nam về vấn đề thâm hụt thương mại. Phía Việt Nam muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ vì thị trường của Mỹ rất quan trọng đối với hoạt động thương mại của Việt Nam. Họ muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ vì họ muốn Mỹ can dự vào khu vực. Điều đó mang lại cho họ công cụ đòn bẩy tốt hơn so với láng giềng Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao”.
Nhìn chung, người Việt thích người Mỹ ... Và người Việt hiểu rằng vận mệnh kinh tế của họ có một phần gắn với sự mở cửa không ngừng của thị trường Mỹ.
Về nền tảng của mối quan hệ chính thức là giao lưu giữa nhân dân hai nước, cựu nhà ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam từ 2011 đến 2014 nhận xét với VOA: “Nhìn chung, người Việt thích người Mỹ. Chúng ta đã cùng trải qua một cuộc chiến thời đầu những năm 1970, nhưng hầu hết người Việt Nam hiện nay đã không sống ở thời điểm đó. Người Việt thấy văn hóa Mỹ rất hấp dẫn. Người Việt cũng có rất nhiều người thân sống ở Mỹ. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt rất đông đảo và ngày càng phát triển. Và người Việt hiểu rằng vận mệnh kinh tế của họ có một phần gắn với sự mở cửa không ngừng của thị trường Mỹ”.
Ông David Shear đã rời chức vụ trong bộ máy chính quyền và nghỉ hưu ở thời điểm ông Trump nhậm chức tổng thống, sau đó vị cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng làm tư vấn cho các công ty Mỹ về Việt Nam.
Với những trải nghiệm của mình, ông Shear nhận xét trong cuộc phỏng vấn với VOA rằng người Việt Nam “rất có tinh thần kinh doanh” và cũng “rất hòa đồng với thế giới”, nên theo ông, không có gì phải ngạc nhiên khi có nhiều người Việt Nam đang lái những chiếc xe hơi sang trọng như BMW và Rolls Royce ở thành phố Hồ Chí Minh. Song ông cho rằng điều tương tự sẽ khó diễn ra ở Triều Tiên trong tương lai gần.
Nếu coi Việt Nam là một gợi ý cho Triều Tiên, cựu đại sứ Mỹ điểm lại con đường phát triển của đất nước Đông Nam Á do Đảng Cộng sản lãnh đạo với hàm ý là không phải mọi việc đều hoàn toàn trơn tru, thuận lợi.
Ông Shear nói: “Việt Nam đã phải mất vài năm để xác định họ muốn phát triển kinh tế như thế nào và quan hệ với phần còn lại của thế giới ra sao, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Tuy Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc thời những năm 1970, song phải đến năm 1995 Mỹ mới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Và hiện nay Việt Nam vẫn đang thử nghiệm về mức độ tham gia của nhà nước vào nền kinh tế”.
Kể từ khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng vọt khoảng 125 lần, đạt hơn 50 tỷ đô la năm 2018, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 8 tỷ đô la.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới công bố cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 là hơn 2.500 đô la, trong khi đó, không có dữ liệu về Triều Tiên. Các tổ chức khác nhau, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới, ước đoán GDP bình quân đầu người của đất nước bị cô lập dao động trong một dải rộng từ gần 600 đô la đến hơn 1.700 đô la.
Tin tức những ngày gần đây cho hay Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến đến thăm chính thức Việt Nam trước khi gặp thưởng đỉnh với tổng thống Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Kim có thể tham quan một số cơ sở kinh tế, chế tạo ở Bắc Ninh và Hải Phòng, một bản tin gần đây của Reuters cho hay.