Hiệp định thương mại: Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường trị ch
Việc Việt Nam chính thức bước vào hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương của 11 nước trong tuần qua và sau đó sẽ là một hiệp định với Liên minh châu Âu sẽ giúp cho đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu này tiếp cận với thị trường phi thuế quan có tổng trị giá 45% GDP của toàn thế giới – một cú hích lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11 vừa qua và có hiệu lực từ ngày 14/1, để hưởng lợi thuế nhập khẩu thấp sang các thị trường lớn như Canada và Nhật Bản. Hiệp định, mà Washington đã rút lui đầu năm 2017, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới, tương đương khoảng 10 nghìn tỷ USD.
Các quốc gia khác tham gia hiệp định đang trong quá trình phê chuẩn thỏa thuận. Ngoài Việt Nam, sáu quốc gia khác đã phê chuẩn TPP-11, mang lại một tỷ lệ cao trong việc thực thi đầy đủ. Việt Nam cũng đang chờ Liên minh châu Âu, khối chiếm 21,8% GDP thế giới, để phê chuẩn một thỏa thuận thương mại tự do mà hai bên đã đàm phán trong năm 2015. EU dự kiến sẽ phê chuẩn trong năm nay.
Hai thỏa thuận này kết hợp với nhau sẽ thúc đẩy xuất khẩu, nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.
Họ nói rằng các thỏa thuận cũng sẽ làm cho Việt Nam hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài cho dù họ có thể vẫn chọn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy trong khi Việt Nam cần phải cứng rắn hơn trong vấn đề sở hữu trí tuệ và lao động để tông trọng các thỏa thuận trên.
"Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế tương đối thấp hơn ở một số thị trường xuất khẩu mà họ tham gia cạnh tranh," Luật sư Frederick Burke của công ty luật Baker McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. "Thật khó để nói điều gì sẽ lớn hơn WTO, đó thực sự là một mối lợi lớn. Nhưng (trong năm 2018) chúng tôi đã có nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tương đương với lượng mà chúng tôi có trong năm gia nhập WTO."
Đột phá TPP
Việt Nam được coi là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP vì nền kinh tế đang phát triển và giá trị xuất khẩu vượt quá 200 tỷ USD trong năm 2017. Các quốc gia thành viên khác của hiệp định sẽ là những nhà nhập khẩu ròng hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
Kể từ năm 1986, nền kinh tế của đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này đã tiến bộ dựa vào việc đầu tư nước ngoài đến các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu từ hàng may mặc cho tới hàng điện tử tiêu dùng. Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2008, và điều này mang lại cho Việt Nam các quyền thương mại tương tự như 164 thành viên khác.
Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics ở Hà Nội, cho biết hàng hóa được sản xuất có giá trị thấp như giày dép sẽ trở nên rẻ hơn để vận chuyển đến các quốc gia đối tác quan trọng ở Thái Bình Dương như Úc.
Các nước Châu Âu và vành đai Thái Bình Dương muốn có các thỏa thuận thương mại với Việt Nam để họ có thể bán hàng nhập khẩu nhiều hơn cho tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh. Tập đoàn Tư vấn Boston dự báo tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ chiếm 1/3 trong số 93 triệu dân vào năm tới.
Thương mại EU-Việt Nam đã tăng gấp bốn lần trong thập kỷ qua và thỏa thuận thương mại giữa hai bên có thể giúp tăng GDP Việt Nam thêm 15%, Nghị viện châu Âu cho biết trong một tuyên bố. Cho đến nay, thỏa thuận EU-Việt Nam vẫn chưa được phê chuẩn vì "những lo ngại về thủ tục phê chuẩn chính xác" nhưng với hy vọng sẽ có được những cái gật đầu cuối cùng trong năm nay.
Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương cho phép người Việt Nam được dễ dàng vào 10 quốc gia thành viên khác cho các mục đích liên quan đến kinh doanh.
Tuân thủ các yêu cầu
Là một thành viên của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam phải cho phép thành lập các công đoàn độc lập, chuẩn hóa các quy tắc thu mua của chính phủ để các công ty từ các quốc gia hợp tác khác có thể đấu thầu và đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các chuyên gia nói rằng Việt Nam chưa đạt được điều đó.
Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, từ Canberra nói rằng: "Vì Việt Nam đã ký và giờ đây nó đã được phê chuẩn tại Quốc hội, TPP, đối với những người muốn thúc đẩy cải cách, là một chiếc gậy để thúc đẩy những người khác phải hành động để tiến hành cải cách, và nói với họ rằng chúng ta phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đó."
Các giới chức Hà Nội muốn tuân thủ để Việt Nam có được những lợi ích lớn hơn từ hiệp định thương mại Thái Bình Dương, theo Nguyễn Trung, trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh. "Họ muốn có được một động lực mới cho nền kinh tế của Việt Nam và TPP là một trong những giải pháp."
Tuân thủ các yêu cầu phi thuế quan, đặc biệt là sở hữu trí tuệ, sẽ làm cho Việt Nam khác biệt với Trung Quốc – nơi được coi là “công xưởng của thế giới,” theo kinh tế gia McCarty.
Việt Nam hiện đã nổi bật hơn Trung Quốc vì chi phí lao động thấp hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển ở châu Á. Trung Quốc cũng thiếu các công đoàn độc lập và đang chật vật với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, một điểm nhấn trong sự tranh chấp rộng lớn hơn về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bao trùm suốt cả năm 2018.
"Các điều khoản và điều kiện thành viên làm cho Trung Quốc không thấy hấp dẫn để muốn trở thành thành viên" của hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, kinh tế gia McCarty nói. "Rất nhiều điều trong đó liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và có tất cả những điều ông Trump đang yêu cầu họ làm vào lúc này. Nó cũng gồm những quyền về lao động. TPP yêu cầu có các công đoàn ở mức nghiệp đoàn, một điều mà Trung Quốc không thể tham gia."