CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, kỳ vọng mang lại nhiều kết quả lạc quan cho cả chính phủ và doanh nghiệp của Việt Nam, theo trang Prensa Latina.
Báo Dân trí trích lời ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nói: “Các doanh nghiệp chắc chắn hưởng lợi từ khả năng tiếp cận 500 triệu người tiêu dùng và từ sự rõ ràng minh bạch do hiệp định này mang lại trong bối cảnh có nhiều bất ổn về chính sách thương mại.”
Báo Tuổi trẻ trích nhận định của Bộ Công thương Việt Nam cho biết các ngành có cơ hội tăng trưởng lớn như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, một số phân ngành sản xuất và dịch vụ.
Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam có thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng như mọi FTA khác, CPTPP không phải là “mỏ vàng lộ thiên.”
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, với CPTPP, xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng từ 54 tỉ đôla lên 80 tỉ đôla trước năm 2030.
Theo cam kết trong CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, trong đó các thị trường lớn như Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam.
CPTPP là một hiệp định tự do hóa thương mại và đầu tư tại 11 nền kinh tế khu vực Thái Bình Dương bao gồm Canada, Úc, Brunei, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam.