EU từ chối đàm phán lại thỏa thuận Brexit với Anh
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã loại trừ khả năng tiếp tục đàm phán với Anh quốc về Brexit (tức nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) nhưng cho biết họ đang có những nỗ lực để đảm bảo với phía Anh sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đột ngột rút lại một phiên bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Quốc hội do đối mặt với khả năng thất bại.
Chỉ còn chưa tới bốn tháng nữa là nước Anh đến hạn rời khỏi EU vào ngày 29/3. Thỏa thuận Brexit của bà May đang có nguy cơ sụp đổ khiến cho các kịch bản đều có khả năng xảy ra từ việc ra đi hỗn loạn cho đến hủy bỏ luôn Brexit.
Một ngày sau khi rút lại cuộc bỏ phiếu giữa sự chế nhạo của các nhà lập pháp, bà May đã vội vã đến The Hague để ăn sáng với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và sau đó đến Berlin để gặp Thủ tướng Merkel trước điểm dừng chân cuối cùng là Brussels.
Thông điệp từ khối EU là rõ ràng: họ sẽ đưa ra những bảo đảm về việc họ sẽ diễn giải hiệp định ra khỏi khối như thế nào nhưng họ sẽ không chấp thuận chỉnh sửa lại văn bản này.
Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết hôm 11/12 bà Merkel đã nói với các nhà lập pháp bảo thủ trong Đảng của bà rằng sẽ không có thêm cuộc đàm phán nào nữa về Brexit nhưng đang có những nỗ lực để đảm bảo với phía Anh.
Bà May đã thông báo với bà Merkel rằng thỏa thuận Brexit có thể bị bóp nghẹt tại Quốc hội và không ai có lợi ích nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, các nguồn tin này cho biết.
“Thỏa thuận mà chúng ta đạt được là tốt nhất có thể. Nó là thỏa thuận duy nhất khả dĩ. Không có bất cứ chỗ nào cho việc tái đàm phán,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg.
Quốc hội Anh sẽ tổ chức bỏ phiếu trước ngày 21/1, phát ngôn nhân của bà May cho biết. Nếu cho đến khi đó mà vẫn không có thỏa thuận nào đáng hài lòng, Quốc hội Anh vẫn sẽ tiến hành tranh luận về vấn đề này.
Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất trong thỏa thuận Brexit là cơ chế ‘đường biên giới mềm’ cho Bắc Ireland, một chính sách giữ cho nước Anh trong liên minh hải quan với EU khi không tìm ra cách tốt hơn để tránh dựng lại các chốt kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland vốn là thành viên EU.
Những người chỉ trích bà May nói rằng điều khoản này sẽ khiến nước Anh lệ thuộc vào các quy định của EU vĩnh viễn. Ông Juncker nói rằng cả hai bên đều không bao giờ muốn cơ chế ‘biên giới mềm’ này có hiệu lực nhưng nó phải nằm trong thỏa thuận để đề phòng.
Trong lúc này, các nghị sỹ nổi dậy trong Đảng Bảo thủ của bà May nói rằng bà phải ra đi.
“Nếu bà ấy không thúc đẩy được thỏa thuận của chính bà ấy… thì tôi e rằng cách duy nhất để thay đổi chính sách là thay đổi thủ tướng và tôi thật sự nghĩ rằng bà ấy có bổn phận phải ra đi,” nghị sỹ Steve Baker, một người chủ trương Brexit, phát biểu.
Một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với bà May sẽ được kích hoạt nếu 48 nghị sỹ Bảo thủ viết thư gửi đến Chủ tịch của Ủy ban 1922 của Đảng, ông Graham Brady, yêu cầu tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm.
Một phóng viên của kênh Sky cho biết một số nguồn tin tin rằng 48 lá thư đó đã được nộp lên nhưng ông Brady sẽ không công bố nó trong lúc bà May đi công du nước ngoài. Tuy nhiên, một số biên tập viên chính trị cao cấp nói rằng ngưỡng này vẫn chưa đạt đến.
Với ít hy vọng EU sẽ có thay đổi đáng kể, nước Anh hiện giờ có các lựa chọn từ Brexit hỗn loạn khi không có thỏa thuận cho đến việc hủy bỏ toàn bộ quá trình Brexit – một việc sẽ khiến các cử tri từng bỏ phiếu cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016 phẫn nộ.
Cả Đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May và Đảng Lao động đối lập đều cam kết thực thi ý nguyện của cử tritrong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghị sỹ cùng với ba trong số bốn cựu Thủ tướng còn sống cho rằng cách duy nhất thoát khỏi bế tắc có thể là một cuộc trưng cầu dân ý mới với lựa chọn cho nước Anh ở lại EU. Một tòa án châu Âu trong tuần này phán quyết rằng Anh có thể từ bỏ Brexit mà không phải chịu hậu quả cho đến thời hạn mà họ phải ra khỏi khối.